Israel phải dùng hệ thống phòng thủ đắt đỏ để ngăn chặn các cuộc tấn công từ Iran

Iran đã tiến hành cuộc tấn công lớn nhất từ trước đến nay vào Israel khi phóng hàng trăm tên lửa đạn đạo vào nước này tối hôm 1/10. Phần lớn trong số đó dường như đã bị hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel, Mỹ và Jordan đánh chặn.

Tên lửa phóng từ Iran bị hệ thống phòng không của Israel đánh chặn trên bầu trời thành phố Nablus, Bờ Tây ngày 1/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Tên lửa phóng từ Iran bị hệ thống phòng không của Israel đánh chặn trên bầu trời thành phố Nablus, Bờ Tây ngày 1/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Kênh CNN đưa tin cuộc không kích mới nhất của Iran vào Israel nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc tấn công hồi tháng 4, làm gia tăng rủi ro trong thời điểm vốn đã vô vùng căng thẳng trên khắp Trung Đông.

Trang The Guardian (Anh) nhận định quyết định phóng khoảng 180 tên lửa đạn đạo tốc độ cao của Iran vào Israel cho thấy Tehran muốn gây thiệt hại nghiêm trọng cho đối phương, không giống như cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa được báo trước hồi tháng 4.

Vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian, cho biết họ đã thông báo cho các nước láng giềng trước 72 giờ về một cuộc tấn công đã được lên kế hoạch - diễn ra hai tuần sau khi Israel ném bom Đại sứ quán Iran tại Damascus.

Còn trong cuộc tấn công lần này, Iran đã hành động chỉ vài ngày sau khi Israel tiêu diệt thủ lĩnh Hezbollah, Hassan Nasrallah hôm 27/9, mà không báo trước. Tuy nhiên, các cảnh báo về một cuộc tấn công của Iran đã bắt đầu lan truyền từ các nguồn tin của Mỹ vài giờ trước khi các tên lửa được phóng đi.

Không rõ thông tin này được lấy từ đâu, bằng cách nào, nhưng có thể là từ hình ảnh vệ tinh, thông tin liên lạc bị chặn hoặc thông báo ngoại giao. Cũng có cáo buộc cho rằng Iran đã thông báo trước cho Nga về cuộc tấn công, song thông tin này chưa được xác nhận.

Các báo cáo ban đầu cho rằng vụ tấn công mới nhất của Iran đã khiến 2 người Israel bị thương và 1 dân thường ở Bờ Tây thiệt mạng. Do đó, có thể thấy dù phóng nhiều tên lửa, song vụ tấn công chỉ gây thiệt hại rất ít về mặt quân sự. Điều đáng chú ý là tốc độ tuyệt đối của loại vũ khí đạn đạo mà Iran sử dụng lần này .

Một nhà hàng bị hư hại sau vụ phóng tên lửa từ Iran, tại Tel Aviv, Israel, ngày 1/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Một nhà hàng bị hư hại sau vụ phóng tên lửa từ Iran, tại Tel Aviv, Israel, ngày 1/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) cho biết trong cuộc tấn công ngày 1/10, Tehran lần đầu sử dụng tên lửa siêu vượt âm Fattah và đã phá hủy radar thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 2 hoặc Arrow 3 của Israel.

Hồi tháng 4, Iran đã sử dụng hơn 300 thiết bị bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Trong cuộc tấn công ngày 1/10, Iran không sử dụng các thiết bị bay không người lái bởi chúng di chuyển chậm hơn, không hiệu quả trước đối thủ có hệ thống phòng không tinh vi. Tehran dường như cũng không sử dụng tên lửa hành trình trong cuộc tấn công này.

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu tên lửa Iran đã bị bắn hạ trong cuộc tấn công vào sáu tháng trước. Theo báo cáo, trong số 120 tên lửa đạn đạo do Iran phóng đi vào thời điểm đó, chỉ có 9 tên lửa lọt qua hệ thống phòng thủ của Israel, gây thiệt hại rất nhỏ cho hai căn cứ không quân của đối phương.

Tên lửa đạn đạo rất khó đánh chặn do chúng có tốc độ cao. Tên lửa Emad và Ghadr, được Tehran triển khai trong cuộc tấn công hồi tháng 4, ước tính có thể di chuyển với tốc độ gấp 6 lần tốc độ âm thanh và mất 12 phút để bay từ Iran tới Israel. Tốc độ của chúng là hơn 7.400km/h.

Trong khi đó, trong cuộc tấn công của Israel hôm 1/10, Iran cho biết họ đã triển khai tên lửa siêu vượt âm Fattah-2 thậm chí còn nhanh hơn, với tốc độ tối đa ước tính là 16.000km/h.

Theo báo cáo năm 2021 của Dự án Đe dọa Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Tehran sở hữu hàng nghìn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình với nhiều tầm bắn khác nhau. Số lượng chính xác của từng loại tên lửa vẫn chưa được tiết lộ. Nhưng theo đánh giá của Mỹ cách đây 2 năm rưỡi, Iran được cho là có khoảng 3.000 tên lửa đạn đạo. Con số này ở thời điểm hiện tại có thể cao hơn.

Dù đã phóng 180 tên lửa đạn đạo, nhưng Iran được cho là vẫn giữ lại phần lớn kho vũ khí của mình trong trường hợp xung đột với Israel leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện.

Trong khi đó, việc phóng tới hơn 100 tên lửa đạn đạo chỉ trong khoảng thời gian vài phút đã thể hiện nỗ lực nghiêm túc của Tehran nhằm áp đảo hoặc làm kiệt quệ hệ thống phòng không của Israel.

Về phần mình, Israel sở hữu nhiều hệ thống phòng không tinh vi có thể ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa từ bên ngoài vào nước này, từ tên lửa tầm ngắn đến tên lửa hành trình và đạn đạo.

Với khoảng 180 tên lửa đạn đạo mà Iran đã phóng trong cuộc tấn công ngày 1/10, Israel có thể phải sử dụng tới các hệ thống phòng không phức tạp đi kèm với các tên lửa đánh chặn có giá rất đắt đỏ. Do vậy, chi phí lần này sẽ cao hơn nhiều so với hồi tháng 4. Và việc đánh chặn trên 100 tên lửa trở lên có thể tiêu tốn hàng trăm triệu USD của Tel Aviv.

Hồi tháng 4, cựu cố vấn tài chính của Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết một hệ thống Arrow có giả khoảng 3,5 triệu USD và tên lửa đánh chặn David's Sling có giá 1 triệu USD.

Nhiệm vụ chính của hệ thống Arrow 3 và Arrow 2 tầm xa do Mỹ và Israel cùng phát triển, lần đầu được sử dụng trong cuộc chiến Israel - Hamas, được hỗ trợ bởi tên lửa David's Sling tầm trung. Israel thường sử dụng hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) nổi tiếng hơn để đánh chặn tên lửa tầm ngắn, thường là tên lửa do Hamas bắn từ Gaza.

Video truyền thông Iran công bố được cho là ghi lại cảnh phóng tên lửa vào Israel (Nguồn Reuters):

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo The Guardian)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/israel-phai-dung-he-thong-phong-thu-dat-do-de-ngan-chan-cac-cuoc-tan-cong-tu-iran-20241002173532226.htm