'Thủ phủ' quất cảnh xứ Thanh rực rỡ sắc vàng phục vụ Tết Ất Tỵ
Những ngày gần Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sắc xuân lan tỏa khắp các nẻo đường quê Thanh. Trên vùng đất bán sơn địa Triệu Sơn, những vườn quất cảnh đã bắt đầu vào mùa nhộn nhịp nhất trong năm, thu hút đông đảo thương lái và người tiêu dùng khắp cả nước. Từng cây quất trĩu quả vàng óng không chỉ là thành quả miệt mài chăm sóc của người nông dân địa phương, mà còn là sự gửi gắm hy vọng về một mùa xuân ấm no, hạnh phúc.
Trong không khí nhộn nhịp của những ngày Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, các vườn quất cảnh của thôn 3, xã Hợp Tiến trở nên tấp nập, nhộn nhịp hơn. Dưới bàn tay khéo léo của những người nông dân, từng gốc quất được chăm chút tỉ mỉ, từng nhánh cành được cắt tỉa, tạo dáng, hứa hẹn sẽ đem lại một mùa trồng trọt khởi sắc.
Miệt mài chăm sóc vườn quất trước khi xuất bán, anh Vũ Đức Út cho biết: "Vụ quất năm nay, gia đình tôi trồng 1.200 gốc quất cảnh. Nhờ thời tiết thuận lợi và được chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn quất năm nay quả to, đều và chuyển sắc vàng đúng dịp Tết. Mỗi cây có giá bán buôn tại vườn dao động từ 250 nghìn đồng đến 3 triệu đồng, tùy vào thế cây và chất lượng quả. Nếu việc xuất bán thuận lợi, dự kiến vụ quất năm nay, gia đình tôi có thu nhập từ 600 đến 700 triệu đồng".
Trong bối cảnh nhiều vùng trồng quất lớn ở các tỉnh Hưng Yên và TP Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ, vùng quất Triệu Sơn lại nổi lên như một điểm sáng. Thời tiết năm 2024, dường như ưu ái vùng đất này khi không để lại bất kỳ sự tàn phá nào từ các cơn bão lớn. Chính sự yên bình đó đã giúp vùng quất bên dãy núi Nưa thu hút sự quan tâm lớn từ các thương lái trong và ngoài tỉnh. "Năm nay, thương lái đến vườn đông hơn hẳn. Họ nói quất ở tỉnh Hưng Yên và TP Hà Nội bị ảnh hưởng, nên họ phải tìm nguồn hàng thay thế và Triệu Sơn là lựa chọn đáng tin cậy" - anh Út chia sẻ với nụ cười nhẹ nhõm.
Những ngày này, vườn quất của gia đình anh Út lúc nào cũng nhộn nhịp. Người làm tất bật cắt tỉa, chăm sóc từng gốc cây, khách buôn thì vào ra chọn lựa. Quất tại đây không chỉ đẹp ở dáng thế, mà còn nổi bật bởi màu quả vàng sáng bóng, to, đều, là biểu trưng cho một năm mới sung túc, trọn vẹn.
Để có được những cây quất hoàn hảo phục vụ dịp Tết, người trồng quất ở các xã Hợp Lý, Hợp Tiến, Triệu Thành, Vân Sơn, Thọ Tân... của huyện Triệu Sơn đã trải qua một năm lao động không ngơi nghỉ.
“Quất là loại cây vừa đòi hỏi tính kiên nhẫn, vừa cần kỹ thuật tinh tế trong tất cả các khâu. Từ việc vắt quả vào tháng 4 hoặc tháng 5 để cây kịp ra quả đẹp dịp Tết, đến việc cắt tỉa, uốn thế hay kiểm soát lượng nước tưới, mỗi bước đều phải chính xác. Đặc biệt, cây quất cần thời gian khô hạn để phân hóa mầm hoa. Người trồng phải giảm lượng nước trong khoảng 7 đến 10 ngày để lá có dấu hiệu héo nhẹ. Sau đó, cây được tưới nước trở lại đều đặn trong 2 đến 3 ngày đầu, rồi giảm dần xuống một lần mỗi ngày. Quy trình này kích thích cây ra hoa đồng loạt, tạo nên những lứa quả căng mọng, vàng óng” - anh Út cho hay.
Không chỉ là cây cảnh ngày Tết, quất còn chứa đựng giá trị văn hóa và tinh thần sâu sắc. Theo quan niệm truyền thống, cây quất với tán lá xanh tốt, quả vàng rực là biểu tượng của sự trù phú, may mắn và thịnh vượng. Với người trồng quất ở Triệu Sơn, từng cây quất không chỉ là sản phẩm lao động, mà còn là lời gửi gắm niềm tin về một năm mới đủ đầy, ấm no.
Tương tự, anh Nguyễn Hữu Tiến cũng đang tỉ mẩn uốn từng cành quất trong khu vườn rộng rãi của mình. Dưới ánh hoàng hôn nhẹ nhàng phủ vàng lên những tán lá xanh mướt, người đàn ông với làn da bánh mật và đôi bàn tay khéo léo đang thổi hồn vào từng cành quất. Trò chuyện cùng anh Tiến, tôi được hiểu thêm rằng, cây quất không chỉ để trang trí, mà còn mang ý nghĩa phong thủy. Âm của từ “quất” gần giống với “cát”, tượng trưng cho sự cát tường. Cây quất với quả vàng óng, lá xanh mướt là biểu tượng của sự sung túc, đoàn tụ và hy vọng.
Tại vườn nhà anh Tiến, không khí cũng rộn ràng không kém. Những cây quất được tạo dáng cầu kỳ đang thu hút sự chú ý của các thương lái. Anh Tiến chia sẻ: "Để tạo được một cây quất đẹp, người trồng phải dành cả năm để chăm bón, điều chỉnh từng chi tiết nhỏ từ kích thước cành lá, số lượng quả đến hình dáng tổng thể. Đó là cả một nghệ thuật và cũng là niềm tự hào của người làm nghề".
Dọc các vườn quất ở thôn 3, xã Hợp Tiến, tiếng cười nói rôm rả hòa cùng tiếng kéo cắt tỉa cành là của các chủ vườn để hoàn thành công đoạn cuối cùng trước khi xuất bán. Bà con nơi đây như cùng chia sẻ một niềm vui chung, khi Tết đang đến gần và cây quất Triệu Sơn được mùa, được giá.
Nghề trồng quất không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân ở các xã Hợp Lý, Hợp Tiến, Triệu Thành, Vân Sơn, Thọ Tân,... mà còn tạo nên một phần không thể thiếu trong không khí Tết Ất Tỵ sắp tới. Trong suốt quá trình chuẩn bị và phát triển, những người trồng quất ở Triệu Sơn vẫn luôn kiên định với mục tiêu tạo ra những cây quất đẹp, khỏe mạnh để phục vụ người dân trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, huyện Triệu Sơn đã trở thành “thủ phủ” quất cảnh của tỉnh Thanh Hóa.
Mỗi cây quất của người nông dân huyện Triệu Sơn là một món quà của đất trời, là sự kết tinh của những giá trị văn hóa truyền thống, mang lại sự khởi đầu mới, thịnh vượng, bình an và hạnh phúc trong mỗi gia đình dịp Tết đến, xuân về.