Thú săn chuột đồng mùa nước nổi quê tôi

Chuột là một loài gặm nhấm gây hại rất nhiều cho mùa màng. Tuy nhiên, ở quê tôi, một làng quê thuần nông thì chuột còn là một món khoái khẩu của nhiều người. Săn chuột đồng mùa nước nổi cũng vì vậy mà trở thành một thú vui không thể thiếu.

Chuột có nhiều loại, trong nhà thì có chuột nhắt, chuột xạ, chuột cống lang, ngoài đồng thì có chuột cơm (hay còn gọi là chuột đồng) và chuột cống nhum. Dù vậy, chiếm ưu thế nhất vẫn là giống chuột cơm vì chúng có số lượng nhiều, sinh sản nhanh, thịt lại thơm ngon, có thể chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn.

Có thể săn chuột đồng quanh năm theo nhiều cách khác nhau nhưng mùa nước nổi thì việc săn chuột trở nên dễ dàng hơn. Hồi còn làm lúa thì mùa nước nổi thường người dân rất rảnh rỗi, đồng lúa bốn bề trắng xóa toàn nước, chỉ còn lại vài gò đất cao nhô lên, đó cũng là nơi trú ẩn của chuột đồng và nhiều loài vật khác. Việc bắt chuột lúc đó hết sức đơn giản, chỉ cần dẫn theo một chú chó được huấn luyện săn chuột từ nhỏ, một cái xà beng để đào, một cái xà di (đây là dụng cụ được đan bằng tre, chiều dài chừng 1 mét, một đầu lớn có hom cho chuột chui vào, một đầu nhỏ được cố định bằng dây để mở ra trút chuột vào rọ) là đủ. Công việc săn chuột thường cần nhiều người phối hợp. Khi chú chó phát hiện hang chuột thì sẽ sủa lớn và dùng chân bới vào miệng hang. Người săn chuột sẽ tìm hang ngách (vì hang chuột ngoài cửa hang chính sẽ có rất nhiều hang nhỏ gọi là ngách) để bít lại cẩn thận, sau đó sẽ tiến hành đào hang. Khi đào một diện tích vừa đủ tại cửa hang chính để đặt xà di vào thì sẽ tiến hành đổ nước. Chuột rất sợ nước, chỉ cần vài thùng nước là chuột sẽ chạy thẳng vào xà di, vậy là người săn chuột chỉ việc trút ra là xong.

Hiện tại thì cánh đồng lúa quê tôi hầu như đã là quá khứ, thay vào đó là những vườn cây ăn trái đặc sản cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với nghề trồng lúa. Tuy nhiên, thú săn chuột mùa nước nổi không vì vậy mà mai một. Chuột đồng trước ăn lúa, giờ chuyển sang ăn trái cây, thịt lại càng thơm béo hơn. Cách săn chuột giờ cũng ít nhiều thay đổi, trước săn chuột dưới đất, giờ săn chuột trên cây, mùa nước nổi hang bị nước ngập, do đó chuột thường làm tổ trên cây. Giống chuột tuy khôn lanh, nhanh nhẹn nhưng dù sao thì cũng có nhược điểm của nó, đó là khi ăn trái cây chúng thường nhả hạt và vỏ dưới gốc cây. Người săn chuột chỉ cần nhìn dưới gốc cây, dẫn chó đến đánh hơi. Nghe tiếng chó sủa, chuột hoảng hốt, lập tức phóng ra khỏi ổ, vậy là chúng không nằm gọn trong miệng chó thì cũng phải khuất phục trước lằn đạn của những tay bắn ná thiện xạ.

Chuột đồng có thể chế biến được nhiều món ăn ngon như chiên, nướng, xào sả ớt, xào lá cách, thậm chí là nấu cháo, hấp cơm... Tuy nhiên, ở quê tôi thì mấy chú bác vẫn khoái nhất là món chuột đồng nấu canh chua cơm mẻ. Chuột đồng sau khi làm sạch, sẽ băm sả ớt dồn vào bụng, lấy lá sả buộc chặt lại. Đem chuột chiên sơ qua mỡ tỏi rồi tiếp tục cho nước dùng vào, nêm nếm cơm mẻ và gia vị cho vừa ăn. Canh chua cơm mẻ có thể nấu chung với các loại rau đồng có sẵn như: so đũa, đậu rồng, bắp chuối, ngò om...

Giữa tiết trời se lạnh ngồi nhấp vài ly rượu đế, húp vô chén nước canh chua nóng hổi, rồi xé cái đùi chuột thơm béo chấm vô chén nước mắm đồng cay nồng vị ớt hiểm, bàn chuyện mùa vụ, chuyện học hành con cái, nghêu ngao vài bài vọng cổ thì còn gì thú vị cho bằng.

Bây giờ thì vì cuộc mưu sinh nên nhiều người phải lìa quê xa xứ tha hương cầu thực. Mùa nước nổi về cũng vắng dần tiếng í ới gọi nhau đi săn chuột nhưng tận sâu thẳm trong tim những người con xa xứ và cả những người còn ở lại bám trụ làng quê thì cái thú săn chuột đồng mùa nước nổi vẫn là một hình ảnh đẹp đẽ không thể nào phai mờ trong họ. Bởi đó không chỉ đơn thuần là việc kiếm cái ăn no lòng mà còn chất chứa trong đó tình cảm cao quý của những người dân quê hiền lành lam lũ nhưng đậm đà tình nghĩa thủy chung.

QUÁCH TẤN THUẦN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/thu-san-chuot-dong-mua-nuoc-noi-que-toi-62407.html