Thử thách cho rạp truyền thống
Rạp phim mở cửa trở lại là dấu hiệu lạc quan nhưng có lẽ phải mất vài tuần, thậm chí lâu hơn, mọi thứ mới có thể trở lại bình thường. Bài toán kinh doanh thời hậu Covid-19 với rạp chiếu phim truyền thống đang là thử thách không nhỏ.
Thói quen ra rạp xem phim không dễ mất đi. Nhưng, sau gần 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội, ngoại trừ các “tín đồ điện ảnh”, xem phim chưa phải là nhu cầu quá bức thiết giữa những nỗi lo cơm áo gạo tiền, chuyện thất nghiệp, giảm lương… đang hiện hữu trong cuộc sống. Những ngày đầu mở cửa, có thể ở một số rạp chiếu phim, vào những khung giờ nhất định, người ta thấy cảnh nhộn nhịp, đông đúc nhưng đa phần thực chất đều khá thưa vắng. Vậy nên, nhà phát hành nào cũng tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm kéo khán giả đến với rạp chiếu.
Ở góc độ chuyên môn, khán giả chưa ồ ạt đến rạp, mấu chốt vấn đề nằm ở chính những bộ phim đang trình chiếu chưa đủ sức hấp dẫn. Trong hai ngày cuối tuần đầu tiên sau giãn cách, bom tấn đình đám duy nhất được chiếu là Bloodshot, vốn được công chiếu dở dang từ đầu tháng 3. Số còn lại, đa phần đều là phim cũ, trong đó có những phim Việt đã được chiếu từ những năm 2016, 2017. Việc khán giả Việt không có nhiều lựa chọn là hệ quả tất yếu khi các thị trường lớn như Bắc Mỹ, Trung Quốc, châu Âu… vẫn còn đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều phim bom tấn đáng lẽ sẽ ra mắt trong mùa phim hè năm nay cũng lần lượt phải lùi lịch phát hành. Hiệu ứng domino đang ảnh hưởng lên toàn bộ ngành công nghiệp điện ảnh thế giới và Việt Nam, dù có lợi thế đã mở cửa toàn bộ rạp chiếu phim cũng không nằm ngoài hệ lụy đó. Từ trung tuần tháng 5, khi một số phim mới được phát hành, hy vọng sẽ có thêm các tín hiệu tích cực.
Bài toán kinh doanh thời hậu Covid-19 với các đơn vị rạp chiếu phim đang là thử thách không nhỏ. Phòng chiếu dù có 1, 10 hay 100, 200 thậm chí 500, 700 khán giả thì vẫn có chu trình vận hành như nhau với các chi phí cố định về điện, nước, nhân viên phục vụ… Đặc biệt nhất phải kể đến gánh nặng tiền thuê mặt bằng. Một chủ rạp phim than thở, khi vận hành trở lại, đồng nghĩa mọi chi phí đều tăng trong khi doanh thu chưa đủ bù lỗ. Dù có 1 khách vẫn phải phục vụ như bình thường, không thể hủy suất chiếu hay đóng cửa.
Trong tháng 4, Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam và Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đều có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị một số phương án hỗ trợ cho các doanh nghiệp điện ảnh. Các kiến nghị này đặc biệt nhấn mạnh đến doanh nghiệp trong nước, hiện chỉ chiếm 30% thị phần chiếu phim. Các kiến nghị được đưa ra như: miễn thuế VAT, hoãn nộp thuế năm 2020 với doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, phát hành và chiếu phim; hoãn hoặc miễn nộp bảo hiểm xã hội cho cán bộ, công nhân viên; hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng cho các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam; hỗ trợ một phần quỹ lương cho doanh nghiệp điện ảnh; giảm hay miễn lãi vay; giảm giá dịch vụ điện nước… Hiện những kiến nghị này đang trong thời gian xem xét, xử lý.
Theo Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam, toàn ngành điện ảnh có khoảng 10.000 lao động. Dẫu biết phải cần thêm thời gian, lộ trình thích hợp để ngành điện ảnh có thể phục hồi nhưng việc hoạt động cầm chừng như hiện nay đang đặt các đơn vị kinh doanh rạp phim vào tình thế khó khăn trăm bề, nhất là với lượng nhân công không hề nhỏ. Điện ảnh vốn là lĩnh vực đặc thù. Để giải bài toán áp lực đó, sự chủ động của chính các đơn vị phát hành là tất yếu nhưng các biện pháp hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại, kích cầu điện ảnh Việt Nam trở lại đà tăng trưởng như thời gian qua.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thu-thach-cho-rap-truyen-thong-662713.html