Thử thách leo đỉnh Everest… trong nhà giữa dịch COVID-19
Nhà ông John Griffin ở Anh có ba tầng với 30 bậc thang. Khi phải ở nhà để phòng chống dịch COVID-19, mỗi ngày ông dành tối thiểu 6 tiếng rưỡi để leo lên leo xuống nhằm chinh phục đỉnh Everest ảo.
Theo kênh CNN (Mỹ), bốn ngày sau, ông đã thực hiện tổng cộng 1.363 lượt đi lên tầng trên cùng ngôi nhà với 40.846 bước đi. Ông đã leo độ cao tương đương 8.850 mét, ngang bằng đỉnh Everest.
Ông Griffin 53 tuổi sống ở Shoreham-on-Sea, miền Nam nước Anh nói: “Về mặt tâm thần, cứ nhìn đi nhìn lại những bậc cầu tháng khiến tôi thực sự mệt”.
Tuy nhiên, ông Griffin có động lực thực hiện hành trình “leo đỉnh Everest” để gây quỹ cho một tổ chức từ thiện phân phát thức ăn mang tên The Trussell Trust sau khi thấy quỹ này không nhận được nhiều đồ ăn từ siêu thị gần nhà.
Hành trình trong nhà của ông Griffin ban đầu bắt nguồn từ thói quen mỗi sáng sớm hàng ngày. Ông kể: “Tôi sống trong một căn nhà cao và tôi thường mang tách trà lên cho vợ. Tôi nói tới lúc hết lệnh phong tỏa, có vẻ như tôi đã chinh phục đỉnh Everest. Tôi tập trung hơn vào việc tìm cách nâng cao ý thức và quyên tiền hơn là bản thân việc chạy lên cầu thang”.
Khi ông Griffin hoàn thành lượt cuối leo lên cầu thang, ông đã ăn mừng với vợ và con gái, vẫy cờ từ sân thượng.
Trong mỗi lần chinh phục đỉnh Everest tưởng tượng, ông đo quãng đường bằng một thiết bị theo dõi, ngừng lại nghỉ mỗi khi leo xong một chặng tương đương tòa nhà cao nhất Vương quốc Anh: tòa The Shard cao 1.016 foot (hơn 309 mét).
Ông nói về cảm xúc bản thân: “Thật tuyệt vời. Tôi không để cho cơ thể mình tự mãn mỗi khi lên tới sân thượng mà tôi để dành điều đó cho tới khi đạt điều mà tôi mong muốn. Giống một thử thách thực sự, cần phải đặt từng mục tiêu nhỏ”.
Khi phải hoãn khai trương dịch vụ giao đồ ăn chay vì đại dịch COVID-19, ông Griffin đang dành phần lớn thời gian ở nhà để dạy con gái học và làm mọi việc để hỗ trợ vợ - một nhân viên y tế làm việc trên tuyến đầu chống dịch bệnh.
Ông hy vọng sáng kiến lạ của mình sẽ giúp người khác thư giãn trong tình hình hiện nay, nhưng cũng thừa nhận ông ngạc nhiên khi thế dư luận quốc tế quan tâm tới thành tích của mình. Ông nói: “Đó là thời điểm mà mọi người đang tìm những thứ để làm nhằm giết thời gian. Tránh theo dõi tin tức liên tục có thể đóng vai trò quan trọng trong duy trì sức khỏe tâm thần. Hy vọng đây là một việc thú vị để mọi người làm nếu không có gì khác”.
Ông Griffin không phải là người Anh duy nhất tìm được mục tiêu trong thời gian cách ly.
Một vận động viên chạy bền 27 tuổi tên là Rory Southworth cũng nghĩ ra những cách sáng tạo để tập thể lực trong hoàn cảnh phong tỏa.
Southworth leo được độ cao tương đương đỉnh Ben Nevis, đỉnh núi cao nhất Vương quốc Anh ở trong khu vườn. Sau đó, ông “chinh phục” đỉnh Snowdon, đỉnh núi cao nhất xứ Wales.
Anh nói: “Mọi người bắt đầu khá quan tâm tới việc này và muốn tham gia. Tôi nghĩ tôi sẽ thành lập một nhóm để leo độ cao tương đương khu cắm trại ở chân núi Everest trong 5 ngày”.
Southworth dùng Instagram để tập hợp 30 người thực hiện thử thách leo 5.364 mét. Thông qua theo dõi hành trình trực tuyến, Southworth có thể khuyến khích bạn bè mới quen trên mạng hoàn thành độ cao nhất định theo yêu cầu hàng ngày, cho dù họ thực hiện bằng cách leo cầu thang, leo bậc thềm trong vườn hay leo thang.
Ngoài việc giúp cơ thể năng động trong thời gian cách ly, các hành trình leo núi ảo như vậy cũng giúp người tham gia về mặt tâm lý, nhất là với những người gần đây mới mất việc, phải làm việc căng thẳng hơn, hoặc đang chật vật thích nghi với cuộc sống cách ly.
Southworth nói: “Nhiều người trong số chúng tôi vốn thuộc về cộng đồng thích hoạt động ngoài trời, chơi rất nhiều môn thể thao ngoài trời, nên sức khỏe tâm thần đều gắn liền với thể thao. Chúng tôi không thực sự quen với việc đối phó với căng thẳng khi không thể giải tỏa thông qua hoạt động thể chất ở nơi hoang dã, thiên nhiên. Vì thế, có điều gì đó để tập trung thực hiện, có mục đích, có nhóm hỗ trợ là điều quan trọng với chúng tôi”.
Southworth muốn tiếp tục giúp mọi người năng động trong thời gian phong tỏa và đã tổ chức một thử thách mới để các nhóm đua nhau leo một đỉnh núi ảo khác nhau mỗi sáng.