Thử thách mới của lính Trường Sơn

Trước thềm năm mới 2023, dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng được phép thi công trở lại. Sau gần 10 tháng tạm dừng để xử lý sự cố sạt trượt, lực lượng thi công của Binh đoàn 12 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) lại có mặt đầy đủ, máy móc thiết bị hiện đại, để khai mở các hạng mục mới của hai tổ máy.

Có mặt tại công trường ngày đầu năm mới 2023, chúng tôi cảm nhận được nỗ lực tăng tốc mà đơn vị thi công - Binh đoàn 12 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) đang triển khai. Tại phòng Giám đốc Ban điều hành liên danh - Đại tá Trần Ngọc Tuấn được bố trí một màn hình lớn, với 15 góc quay camera trực tiếp, tại các khu vực thi công. Ngay tại trung tâm TP Hòa Bình, vị chỉ huy trưởng luôn nắm chắc tiến độ của từng hạng mục. Ngoài đôn đốc giải quyết những điểm găng để bảo đảm tiến độ, vị Đại tá này luôn có mặt kịp thời ở từng khu vực cần kíp.

Trên công trường, số người của nhà thầu trực tiếp thi công là 247 người, huy động 17 máy đào, 8 máy ủi và 71 ôtô vận chuyển. Nhà thầu kiện toàn lại tổ chức quản lý chất lượng, kèm theo sơ đồ quản lý chất lượng công tác đào hở, gia cố mái và phân giao nhiệm vụ. Các công nhân đang miệt mài làm việc tại hạng mục cửa lấy nước và hầm dẫn nước; khu vực đê quây hối hả những chuyến xe chở đất đá để nâng cao con đập. Đối diện sang bờ trái sông Đà, khu vực nhà máy chính sừng sững như một hình mẫu để thợ trẻ Trường Sơn cố gắng.

Thượng tá Nhâm Mạnh Đôn - Phó giám đốc Ban điều hành liên danh nhà thầu đưa chúng tôi tới từng khu vực thi công sôi động trên công trường. Anh tiết lộ thêm: Sau thời gian tạm dừng để khắc phục sự cố sạt trượt, chúng tôi đang tập trung lực lượng xe máy thiết bị hiện đại nhất để bảo đảm mục tiêu tiến độ. Một số mục tiêu thi công như: Đào đất đá cửa lấy nước đến cao độ 95 m; hoàn thành đắp đá gia cố hố móng hạng mục nhà máy và kênh xả (bao gồm cả công tác xếp đá khan); hoàn thành đào hố móng đợt 1 đến cao độ 31 m; hoàn thành gia cố mái từ cao độ 45 m trở lên, hoàn thành đổ bê tông đê quây hạ lưu, hoàn thành đào và gia cố hầm phụ... đang được liên danh nhà thầu Trường Sơn - Công ty 47 - LILAMA nỗ lực bứt tốc.

Vốn là người có kinh nghiệm từ dự án thủy lợi hồ Cánh Tạng (Hòa Bình), anh Đôn chia sẻ: Ở vùng đất Hòa Bình này, khi triển khai thi công, cái khó nhất là vận chuyển vật liệu qua thành phố, vì chỉ có một tuyến đường chính ra bãi thải. Thời điểm này công tác vận chuyển đá đỡ ảnh hưởng tới môi trường hơn giai đoạn trước, khi xúc hố móng và nhà máy chủ yếu là đất.

Đứng bên bờ phải sông Đà - nơi mà dự án mở rộng của thủy điện Hòa Bình đang được lính thợ Trường Sơn “bạt núi, đào hầm” - ngắm những chuyến xe ngược xuôi về phía cuối công trường rồi hòa vào dòng xe tấp nập chiều cuối đông gợi lên một cảm xúc bồi hồi. Câu chuyện bên bữa cơm chiều Ban điều hành Trường Sơn, các chiến sỹ kể về một vị đại tá già trước đây đã từng tham gia thi công thủy điện Hòa Bình giai đoạn I, khi biết Binh đoàn về Hòa Bình thi công dự án mở rộng giai đoạn 2, ông đã đạp xe từ Hà Nội lên công trường về thăm lại khu vực đóng quân tại trụ sở của Sư đoàn 565 trước đây. Với những người lính Trường Sơn thì công trình này là niềm tự hào của họ, bởi không dễ mà được góp mặt hai lần trên cùng một dự án lớn vắt qua vài thập kỷ như thủy điện Hòa Bình.

Nếu như trước đây ở thủy điện Hòa Bình, các chuyên gia Liên Xô luôn đồng hành cùng người thợ xây dựng thì ở nhà máy giai đoạn 2 chỉ có màu áo xanh lính thợ và màu áo xám của các cán bộ kỹ thuật Việt. Không kể ngày đêm, các kỹ sư, công nhân vẫn miệt mài làm việc tăng ca, để đẩy nhanh tiến độ. Dù không khí Xuân đang tràn ngập trên mọi miền Tổ quốc, nhưng để đảm bảo tiến độ đề ra, các nhà thầu tại dự án vẫn huy động tối đa máy móc, nhân công, thi công liên tục 3 ca đẩy nhanh tiến độ trong những tháng mùa khô.

Đại tá Trần Ngọc Tuấn cho chúng tôi biết thêm: Đường găng tiến độ sẽ tập trung vào sau Tết Nguyên đán này, tuy nhiên vì dự án được triển khai ngay sát nhà máy chính, nên lực lượng thi công vẫn phải chấp hành quy định nghiêm ngặt về công tác nổ mìn. Bởi yêu cầu kỹ thuật được duyệt là phải đảm bảo an toàn theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, không ảnh hưởng đến an toàn của đập Thủy điện Hòa Bình, Tượng đài Bác Hồ, đường dây 500 KV và các công trình hiện hữu.

Công trình mở rộng thủy điện Hòa Bình được xây dựng nhằm tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa nước hàng năm vào mùa lũ của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện; nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí hệ thống điện quốc gia; giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng và sửa chữa.

Công trình có 2 tổ máy, với công suất 480 MW. Lượng điện trung bình hàng năm 479 triệu kWh/năm (mùa lũ) và tăng khả năng huy động điện năng giờ cao điểm của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu vào mùa khô khoảng 264,4 triệu kWh/năm.

Với người lính thợ Trường Sơn, sự tin tưởng giao đứng đầu liên danh nhà thầu xây dựng dự án đặc biệt này cũng là thử thách bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ thời bình. Cùng với các dự án thủy điện lớn đang được triển khai, các dự án giao thông huyết mạch trên cao tốc Bắc - Nam Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đang viết tiếp bản anh hùng ca lịch sử mới - lịch sử lính thợ áo xanh trên những công trình tầm vóc quốc tế!

Lê Mỹ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thu-thach-moi-cua-linh-truong-son-347843.html