Thử thách sáng tạo chống rác thải nhựa đại dương: Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

Thực hiện Dự án 'Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa' (EPPIC) đang là một trong những nỗ lực góp phần giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương tại Việt Nam và một số nước ASEAN. Và trong mọi thử thách đều phải bắt đầu từ những hành động nhỏ - 'gom gió' mới 'thành bão'.

Khủng hoảng ô nhiễm nhựa

Tại hội thảo “Chung tay vì một Hạ Long không rác thải nhựa” vào tháng 8/2022, ông Patrick Haverman- Phó trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, nhựa được ước tính chiếm 70-80% chất thải đại dương.

Chỉ riêng tại 6/10 quốc gia là thành viên khối ASEAN, có hơn 31 triệu tấn chất thải nhựa phát sinh trong một năm. Nhiều quốc gia đã có những nỗ lực đáng kể để chống lại rác thải nhựa, nhưng thách thức về chất thải nhựa đại dương là không có biên giới.

Rác thải nhựa tại bờ biển Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hà Anh -La Duy )

Mới đây, Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam trở thành một trong những nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trên thế giới. Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra trên đất liền mỗi năm và lượng rác thải đổ ra đại dương từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn.

Nghiên cứu cũng dự báo tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn khi đô thị hóa, cùng với sự gia tăng dân số nhanh chóng và phát triển kinh tế mạnh mẽ, sẽ dẫn đến khối lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng nhanh. Đến năm 2030, sau chưa đầy 15 năm, lượng chất thải phát sinh của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi ,từ 27 triệu lên 54 triệu tấn.

Theo bà Carolyn Turk- Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: “Tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh cũng như thay đổi lối sống ở Việt Nam đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa như hiện nay. Nghiên cứu này cũng chỉ ra, các loại nhựa dùng một lần gây ra phần lớn tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam và giải quyết tình trạng này sẽ tạo ra sự khác biệt lớn”.

Thử thách từ những hành động rất nhỏ

Để thúc đẩy hoạt động phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương tại Việt Nam, dưới sự tài trợ của Đại sứ quán Na Uy, UNDP đã triển khai dự án “Nhân rộng mô hình cộng đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt và nhựa” thông qua việc xây dựng các mô hình tổng hợp, xanh và công bằng để cải thiện hệ thống quản lý chất thải sinh hoạt.

Cộng đồng tham gia thu gom rác thải tại ven biển, góp phần chống ô nhiễm nhựa đại dương.

Cộng đồng tham gia thu gom rác thải tại ven biển, góp phần chống ô nhiễm nhựa đại dương.

(Ảnh: Hà Anh -La Duy )

UNDP tại Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để tìm kiếm và triển khai Dự án “Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa” (EPPIC) tại 4 quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Thông qua dự án, gần đây nhất, một cửa hàng “EPPIC shop” đã được khai trương tại thành phố Hạ Long để trưng bày các sản phẩm và dịch vụ đổi mới nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa. UNDP đã giới thiệu ứng dụng “Săn Rác” (http://sanrac.undp.org.vn) - một ứng dụng điện thoại dùng để báo cáo và theo dõi tất cả các bãi rác tự phát, sai quy định tại Việt Nam.

Từ tháng 9/2022, huyện đảo Cô Tô ở phía Bắc tỉnh Quảng Ninh đã chính thức cấm du khách mang chai và túi nhựa ra đảo nhằm thúc đẩy du lịch bền vững.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án Xây dựng trung tâm quốc tế về rác thải nhựa; xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam”.

Việt Nam cũng đang chuẩn bị tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa. Ông Hoàng Xuân Huy- Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định việc hình thành Thỏa thuận là một xu thế tất yếu của thế giới nhằm giải quyết khủng hoảng rác thải nhựa.

Đồng thời, giúp Việt Nam thể hiện vai trò, trách nhiệm quốc gia, đóng góp vào nỗ lực chung giải quyết vấn đề/thách thức toàn cầu, đáp ứng yêu cầu và xu thế hội nhập với quốc tế. Là cơ hội để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ sạch thân thiện môi trường, các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn lĩnh vực nhựa, tăng cường hợp tác và hỗ trợ quốc tế.

Ông Huy cho rằng, phải có cơ chế rõ ràng trong việc khuyến khích những mô hình phát triển xanh, sạch thân thiện môi trường hoặc xử phạt những vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nhựa, xử lý ô nhiễm chất thải nhựa.

Điều này có nghĩa là phải bắt đầu từ việc nhỏ mới có thể thực thi quá trình chuẩn bị nguồn lực, kế hoạch và lộ trình thực hiện sau khi Việt Nam ký kết và phê chuẩn.

Trong chuyến khảo sát thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại bờ biển Vũng Tàu vào tháng 9/2022, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam đã gặp gỡ người dân thuộc mọi lứa tuổi đi nhặt rác, trong đó, chủ yếu là rác thải nhựa tại bờ biển đang ngày càng ô nhiễm này.

Chị Trần Thị Qua, người có thâm niên nhặt rác thải nhựa tại bờ biển Vũng Tàu.(Ảnh: Hà Anh -La Duy )

Chị Trần Thị Qua, 60 tuổi, là người có thâm niên nhặt rác thải nhựa tại bờ biển Vũng Tàu. Chị đi nhặt rác bên bờ biển từ 4h30 sáng, sau đó trở về làm việc nhà. Chị chia sẻ, nguồn thu từ 20 – 50 nghìn/ngày qua việc nhặt rác thải nhựa bán là nguồn thu nhập chính của chị. Yêu bờ biển nơi mình sinh sống, trong quá trình nhặt rác, chị cũng có ý thức phân từng loại cho vào thùng.

Anh Nguyễn Văn Sinh, thợ chụp ảnh đã hàng chục năm tại bãi biển Vũng Tàu cho biết, công nhân làm vệ sinh môi trường khu vực bãi biển Vũng Tàu rất chuyên cần, không kể mưa nắng, sáng và chiều mỗi ngày đều đi dọn rác.

“Rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa tại bãi biển này còn nhiều bởi vì ý thức của khách du lịch. Họ vứt rác bừa bãi, trong khi, thùng rác gần ngay họ. Bởi vậy, không thể nhặt rác cho xuể, với lượng khách du lịch ngày càng đông. Quan trọng vẫn là ý thức của mỗi cá nhân. Hành động vứt rác đúng chỗ tưởng là nhỏ nhưng lại không dễ cho nhiều người dân và đông đảo du khách. Quan sát hàng ngày trên bãi biển tôi thấy, hành động nhỏ bỏ rác đúng chỗ và hành động nhỏ nhặt rác nếu nhìn thấy khi đi trên bãi biển lại là cần thiết nhất góp phần chống lại ô nhiễm môi trường biển”, anh Sinh chia sẻ với nỗi niềm đau đáu.

Trong số những người đi nhặt rác trên bãi biển Vũng Tàu, chúng tôi ấn tượng với các em học sinh THCS và THPT sống tại khu vực gần đây. Các em nhặt rác xuất phát từ niềm vui, sự sẻ chia và tính lan tỏa từ bạn bè trên mạng xã hội, từ ý thức về mối nguy hiểm mà ô nhiễm môi trường biển đang ngày tăng cao.

Em Trần Minh Trí, 13 tuổi, học sinh lớp 8 trường Nguyễn Văn Linh (TP Vũng Tàu) đã tự nguyện nhặt rác từ hai tuần trước đó. Em cho rằng, có nhiều rác sẽ ảnh hưởng gây ô nhiễm môi trường biển và nguồn nước dân cư nơi đây, trong đó có gia đình em sử dụng có thể gây bệnh. Trên facebook bạn bè của em có hình ảnh các bạn đi nhặt rác cuối tuần, em thấy rõ niềm vui khi được tham gia vào hoạt động đó.

Em Nguyễn Phương Thảo, 13 tuổi, học sinh lớp 8 trường Duy Tân (TP Vũng Tàu) cho biết em tham gia nhặt rác được hơn 1 tháng. Hành động này của em xuất phát từ hình ảnh đi nhặt rác hàng ngày của người chị mình.

“Chị của em đi nhặt rác trước, sau đó em theo chị. Em rất mong bãi biển nơi em sinh sống được sạch đẹp và mong muốn bạn bè cùng trang lứa cũng hành động chung tay để làm sạch môi trường biển”, em Thảo nói.

17 tuổi, là học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP Vũng Tàu), em Trần Hồ Vân chia sẻ mình được bạn bè giới thiệu lời kêu gọi chung tay nhặt rác qua một đường link trên mạng.

“Em thấy đây là hành động rất cần thiết đối với giới trẻ tụi em. Sự chung tay của các bạn trẻ là hành động tuy nhỏ nhưng từng ngày góp nhặt công sức sẽ tạo hiệu quả lớn. Ai cũng muốn được tận hưởng môi trường biển nơi mình sinh sống được sạch đẹp, để mình được tự hào, và để mình và người thân được sống mạnh khỏe.

Các bạn trẻ nhiệt huyết tham gia thu gom rác thải nhựa tại bờ biển Vũng Tàu.(Ảnh: Hà Anh -La Duy )

Em sẵn sàng là một thành viên trong nhóm tuyên truyền, kêu gọi giới trẻ nơi đây chung tay nhặt rác. Và trước khi nhặt rác thì chính mình, người thân trong gia đình mình phải thực hiện nghiêm túc việc vứt rác đúng nơi quy định”, Vân chia sẻ với niềm vui.

Trong chuyến đi khảo sát, chúng tôi may mắn gặp một kỹ thuật viên trẻ tên H, làm việc tại Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco). Bạn trẻ này thường xuyên cùng các bạn của mình nhặt rác tại bãi biển Vũng Tàu.

Chia sẻ với chúng tôi, H tự hào được làm việc tại công ty có rất nhiều sản phẩm sáng tạo về ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có công trình Kè bảo vệ bờ sông và bờ biển khu vực cửa sông Ray thuộc xã Phước Thuận huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa đạt Huy chương vàng tại cuộc thi Sáng tạo Sáng chế Quốc tế lần thứ 7 tại Canada, iCAN 2022.

Hành động nhặt rác của H cùng các bạn xuất phát từ nhận thức rất rõ về tác hại của ô nhiễm môi trường biển từ rác thải nhựa. Quá trình thi công công trình kè bảo vệ bờ biển khu vực cửa sông Ray đã thôi thúc H hành động bảo vệ môi trường biển.

Qua những tâm sự trên trong chuyến đi thực tế tại bờ biển Vũng Tàu, chúng tôi hiểu thấu hơn: Mọi thử thách sáng tạo chống ô nhiễm môi trường biển đều trước nhất phải bắt đầu từ thách qua những hành động rất nhỏ là vứt rác đúng chỗ và nhặt rác khi nhìn thấy.

Hà Anh - La Duy

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/moi-truong/thu-thach-sang-tao-chong-rac-thai-nhua-dai-duong-hanh-dong-nho-y-nghia-lon/20221005022808573