Thư thái đọc 'Tết hoàng cung'
Tết xưa khác Tết nay như thế nào? Phong tục gì vẫn được gìn giữ? Nét đẹp văn hóa nào trong ngày Tết đang dần mất đi?
Cùng đọc cuốn sách “Tết hoàng cung” của tác giả Nguyễn Phước Hải Trung để khám phá không gian Tết cung đình và tìm câu trả lời về Tết xưa.
Cuốn sách “Tết hoàng cung” dày 179 trang, được tác giả chia thành 4 phần có chủ đề riêng biệt, thú vị. Bốn phần dẫn dắt người đọc đi từ những lễ hội, phong tục đón Tết nơi kinh đô Huế xưa đến hình tượng của ngày Tết theo góc nhìn của những vị vua triều Nguyễn qua các bài thơ “ngự chế”, hay là câu chuyện về linh vật trong văn hóa cung đình cũng như các bảo vật được chế tác, sáng tạo bằng tinh thần tự tôn dân tộc.
Mở đầu cuốn sách, tác giả Nguyễn Phước Hải Trung đã giúp độc giả hôm nay hiểu hơn về những nghi lễ đón Tết trong hoàng cung thời Nguyễn, được bắt đầu từ lễ Ban Sóc (ban lịch năm mới).
Qua lễ Ban Sóc tác giả cũng giới thiệu thêm nhiều loại lịch được các tầng lớp trong xã hội xưa sử dụng: “Các loại lịch được ban hành trong Hoàng cung và Hoàng gia như Ngự lịch, Long lịch, Phụng lịch, Vạn niên thọ; ban cho quan lại như lịch Thất chính, Vạn toàn tùy theo thứ bậc, phẩm trật; ban cho thần dân chủ yếu là lịch Hiệp kỷ”.
Sau lễ ban lịch năm mới, lễ Tiến xuân sẽ được tổ chức một cách trang trọng vào tiết lập xuân với ý nghĩa: “Khuyên răn công việc đồng áng, quan hệ gần gũi với đời sống của nhân dân, biểu hiện ước mơ về một đời sống vật chất đầy đủ trong một năm mới”.
Cũng trong phần I, độc giả còn có thể tìm thấy thời gian nghỉ để mừng Tết trong cung đình xưa kéo dài hơn nửa tháng, được bắt đầu: “Từ ngày 25 tháng Chạp đến 11 tháng Giêng” hay những nghi lễ đón năm mới ngày mồng 1 Tết của vua và các quan trong triều.
Ngoài ra, các lễ khác của năm mới như: Lễ Tế Kỳ đạo (tế cờ), lễ Thượng tiêu và Hạ tiêu (dựng và hạ nêu), chuyện công chúa lấy chồng… cũng được đề cập một cách sinh động và chi tiết để người đọc có thêm những hiểu biết cùng sự trải nghiệm độc đáo.
Trong văn hóa dân gian, hình tượng con hổ tượng trưng cho nhiều điều - tốt có mà xấu cũng có - tùy theo quan niệm vùng miền. Vậy, con hổ trong văn hóa cung đình xưa được quan niệm ra sao? Điều này có thể khám phá ở phần II của cuốn sách “Tết hoàng cung” khi tác giả dành khá nhiều trang giới thiệu thông qua các bài thơ trên di tích, di vật cổ và điệu múa “Long Hổ hội”.
Đó là hình tượng con hổ hiện diện trong cung đình xưa chủ yếu để thể hiện phong thái oai nghiêm, hùng mạnh của quân đội và thời đại cũng như mang đến sức mạnh thiêng liêng diệt trừ ma quỷ.
Nhất là, hình ảnh con hổ được tái hiện một cách sinh động và tài tình thông qua điệu múa “Long Hổ hội”: “Long Hổ hội thường được diễn xướng tại Phu Văn Lâu vào các dịp như Hưng Quốc khánh niệm (kỷ niệm Quốc khánh thời Nguyễn) cũng như vào một số dịp khánh hỷ của triều đình với tinh thần hướng đến đời sống an lạc của muôn dân trăm họ”.
Hình ảnh vị chúa sơn lâm trong văn hóa cung đình cũng hiện lên qua bài thơ của vua Minh Mạng hay bài thơ vịnh hổ cùng điển tích diễn giải của vua Thiệu Trị, cuộc đấu voi - hổ trong bức tranh “Ngày Tết ở Thuận Hóa” cũng như ở đấu trường Hổ quyền.
Để được thưởng thức hương vị Tết, cảm nhận về phong cảnh, con người và mùa xuân trong thơ ca cung đình, độc giả có thể đọc phần III “Tết và mùa xuân trong thơ vua”.
Ở phần này, tác giả Nguyễn Phước Hải Trung giới thiệu bức tranh gương “Xuân vịnh” được treo ở điện Hòa Khiêm. Bức tranh này được vẽ để vịnh bài thơ “Tam thủy tiêu thương” của vua Thiệu Trị, trong đó có những câu: “Nâng rượu mừng xuân con cháu đến/ Trước sân gia trưởng tiệc thọ mừng/ Chúc tuổi họ Trần muôn thuở tụng/ Ngợi ca Thành tộc uống cạn chung”.
Ngoài ra, nhiều bài thơ trên kiến trúc cung đình Huế như bài được viết trên pháp lam tại điện Thái Hòa: “Bên mây trăng mới mọc/ Bóng xế chưa tròn đầy/ Mồng ba, năm sá chi/ Đã rạng núi sông này”… là công trình được bài trí theo lối “nhất thi nhất họa” độc đáo tạo bởi sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và thơ ca đã được tác giả giới thiệu một cách tỉ mỉ và khéo léo.
Bên cạnh đó, trò chơi ngày Tết mang những nét đẹp về văn hóa và giáo dục của con người Việt Nam xưa đang dần bị lãng quên cũng được sách “Tết hoàng cung” gợi nhắc - trò chơi “Thả thơ”: “Xưa kia, vào dịp xuân mới, ở Huế thường có trò chơi “Thả thơ” thường tổ chức ở các vương phủ của các hoàng thân triều Nguyễn (…) Thả thơ xưa dường như cũng theo bóng những người sinh ra nó mà ra đi. Nhiều năm qua, không ai tổ chức cũng như không mấy ai nhắc lại thú chơi xưa”.
Không chỉ vậy, tác giả cũng giới thiệu tác phẩm sách “Thực phổ bách thiên” của bà Trương Đăng Thị Bích gồm 102 bài dạy nấu ăn viết bằng… thơ thất ngôn tứ tuyệt, ấn hành vào khoảng năm 1925. Qua đây, độc giả có thể thấy được sự khéo léo trong nội trợ, bếp núc và cả sự thông tuệ của phụ nữ Huế nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung.
Cuốn sách “Tết hoàng cung” được khép lại bằng phần phụ biên “Những bảo vật của tinh thần tự tôn dân tộc”. Đó chính là “ngai hoàng đế triều Nguyễn, Cửu vị Thần công và Cửu đỉnh - những văn vật mang tính biểu tượng cao, không chỉ có ý nghĩa với một triều đại, mà còn có ý nghĩa với cả dân tộc”.
Đây là những tác phẩm mỹ thuật mang giá trị thẩm mỹ cao, được sáng tạo từ bàn tay, khối óc cũng như lòng tự tôn dân tộc của những nghệ nhân tài hoa.
Thật đáng quý nếu như ngày Tết được thưởng trà và đọc sách “Tết hoàng cung” để hiểu thêm về nghi lễ ngày Tết và thả tâm hồn thư thái vào những câu thơ, những tác phẩm nghệ thuật độc đáo của người xưa…
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thu-thai-doc-tet-hoang-cung-post623167.html