Thu thuế xe hợp đồng: Cần đảm bảo công bằng giữa các loại hình kinh doanh

Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam bày tỏ việc xác định nghĩa vụ thuế đối với xe hợp đồng cũng còn nhiều hạn chế. Hiện nay xe hợp đồng chỉ nộp mỗi thuế môn bài. Xe tuyến cố định phải nộp các loại thuế khác. Do vậy, cơ quan chức năng cần đảm bảo công bằng giữa các loại hình kinh doanh.

Tại tọa đàm “Quản lý xe hợp đồng: Giải pháp nào hiệu quả” diễn ra vào ngày 21/8, bà Đỗ Hương Giang – Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, ở Hà Nội hiện có trên 37.000 xe hợp đồng, trong đó 18.000 xe dưới 9 chỗ. Xe tuyến cố định có 3.300 xe. Lượng xe hợp đồng gấp nhiều lần xe tuyến cố định, xe hợp đồng dưới 9 chỗ nhiều hơn xe taxi.

“Số lượng xe tư nhân hiện nay rất lớn, hàng trăm nghìn xe, lớn hơn xe hợp đồng rất nhiều, để họ tự do kết nối với nhau, khó quản lý. Hà Nội đã có chuyên đề 05, chống xe dù bến cóc, nhưng chỉ trong phạm vi xe biển vàng, không kiểm soát được xe biển trắng, do có nhiều yếu tố dân sự”, bà Giang bày tỏ.

 Việc xác định nghĩa vụ thuế đối với xe hợp đồng cũng còn nhiều hạn chế.

Việc xác định nghĩa vụ thuế đối với xe hợp đồng cũng còn nhiều hạn chế.

Bày tỏ về vấn đề quản lý và thu thuế, ông Nguyễn Hoàng Anh – Phó trưởng Phòng quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam bày tỏ, xe khách trong bến đang làm theo luật là xuất phát theo giờ cố định nhưng xe hợp đồng lại có thể “xé rào”, chạy tùy ý. Hiện các nhà xe bán vé trực tuyến nên không cần lo việc xếp hàng mua vé gây ách tắc. Thế nên cứ xe nào đủ khách thì cho đi.

Theo ông Hoàng Anh, xe hợp đồng vận chuyển nhiều loại hành khách như thăm quan, du lịch, công nhân, học sinh. Phạm vi hoạt động rộng, thường xuyên, tuyến đường, ngõ ngách, nhiều khung giờ. Từ đó nảy sinh việc xe hợp đồng chạy như xe cố định.

Bên cạnh đó, việc xác định nghĩa vụ thuế đối với xe hợp đồng cũng còn nhiều hạn chế. Hiện nay xe hợp đồng chỉ nộp mỗi thuế môn bài. Xe tuyến cố định phải nộp các loại thuế khác. Để xác định xe này chở khách hợp đồng phải có nghiệp vụ giỏi và để xác định hành vi rất vất vả.

Bàn về giải pháp thu thuế, ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc nhà xe Vân Anh bày tỏ, bản chất xe hợp đồng và xe tuyến cố định không khác nhiều, nhưng vận hành xe hợp đồng hiệu quả hơn rất nhiều về đầu tư. Đầu tư như nhau, nhưng vận doanh của xe hợp đồng gấp nhiều lần, xe vào bến tốn nhiều loại thuế, phí: bến, VAT vé, thuế thu nhập doanh nghiệp… Doanh nghiệp gánh nhiều thuế phí khó giảm giá cạnh tranh với xe hợp đồng. Xe hợp đồng không phụ thuộc giờ giấc, không có gì hạn chế khách hợp đồng với doanh nghiệp, quay đầu nhiều thì giá vé xe giảm xuống.

Chính vì vậy, ông Dũng đề xuất cơ quan quản lý cần cởi mở cho xe cố định để xe cố định linh hoạt hơn, cạnh tranh được với loại hình mới.

Đồng tình với ý kiến trên, đại diện nhà xe Sao Việt cũng bày tỏ, doanh nghiệp kinh doanh tuyến cố định và hợp đồng đều cần được tồn tại, phục vụ nhu cầu của hành khách. Nhưng quan trọng là quản lý đảm bảo hài hòa về mặt lợi ích, bình đẳng.

Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội là đơn vị đầu tiên thực hiện kiểm tra sai phạm qua thiết bị giám sát hành trình. Các tổ liên ngành đã đến tận doanh nghiệp đề nghị các doanh nghiệp cung cấp thiết bị giám sát hành trình và các số hiệu phương tiện để giám sát hành trình

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã xử phạm hơn 1.870 trường hợp sai phạm, xử phạt 6,5 tỷ đồng, tạm giữ 27 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 300 trường hợp, tước phù hiệu hàng chục phương tiện.

Hoàng Tư

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thu-thue-xe-hop-dong-can-dam-bao-cong-bang-giua-cac-loai-hinh-kinh-doanh-d51313.html