Thư Trai - mạch nguồn tri thức giữa lòng phố thị
Thư Trai là ngôi làng cổ thuộc xã Phúc Thọ, nổi tiếng với truyền thống hiếu học và khoa bảng. Trải qua bao thế hệ, người Thư Trai học hành đỗ đạt, thành danh và tỏa đi khắp mọi miền Tổ quốc, góp phần làm rạng danh quê hương.
Theo lời các bậc cao niên trong làng, từ xa xưa Thư Trai có hai cổng làng chính. Cổng điếm ghi đậm 2 chữ “Thư Trai” - nghĩa là “phòng đọc sách”, còn cổng giếng khắc nổi 2 chữ “Thư Điền” - tức là “ruộng sách”. Những cái tên ấy đã phần nào nói lên truyền thống của người làng: Ham học, giỏi làm ruộng, nhiều sách, nhiều chữ, nhiều lúa...
Lật lại những trang vàng lịch sử, Thư Trai tự hào là quê hương của hai vị tiến sĩ có tên khắc trên bia đá tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Khuất Duy Hài (đỗ Tiến sĩ năm 1868) và Nguyễn Đình Dương (đỗ năm 1880).
Cụ Nguyễn Đình Dương cũng chính là thân phụ của nhà văn, dịch giả uyên bác Nguyễn Đỗ Mục - người nổi tiếng với các bản dịch kinh điển như “Đông Chu liệt quốc”, “Khổng Tử tạp ngữ”, “Thủy Hử”... Trong lĩnh vực mỹ thuật, một trong những người con ưu tú của làng trong thế kỷ XX là họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung (1912 - 1977) - con trai của nhà văn Nguyễn Đỗ Mục.
Truyền thống hiếu học ở Thư Trai như một mạch nguồn nối liền quá khứ với hiện tại. Ngày nay, Thư Trai vẫn được biết đến là “đất học” nổi tiếng trong vùng. Làng có Quỹ Khuyến học do các dòng họ và gia đình cùng chung tay đóng góp. Hằng năm, vào ngày mùng 6-2 âm lịch (nhân lễ hội truyền thống của làng) và trước thềm năm học mới, lễ vinh danh các cá nhân tiêu biểu trong học tập được tổ chức trang trọng.
Theo anh Khuất Mạnh Quốc, người làng Thư Trai, với sự thay đổi trong công tác quản lý địa bàn dân cư, làng cổ Thư Trai nay được chia thành các thôn: Thôn 4 Phúc Hòa, thôn 5 Phúc Hòa, thôn 6 Phúc Hòa, thôn 7 Phúc Hòa (xã Phúc Thọ). Dẫu tên gọi hành chính đã khác, nhưng tâm thức về một làng học, làng chữ vẫn vẹn nguyên trong lòng người dân nơi đây. Đáng quý hơn cả là phong trào học tập ở Thư Trai còn lan tỏa tinh thần sẻ chia, như việc trao học bổng cho học sinh vượt khó, kèm cặp các em học yếu, để gìn giữ giá trị cốt lõi - “học để làm người”.
Giữa phố thị tấp nập, người làng Thư Trai vẫn mang theo mình cốt cách của một làng học: Nền nã, cần mẫn và chan chứa khát vọng tri thức. Họ chính là những minh chứng sống động cho tinh thần “từ làng ra phố”, ra đi để tỏa sáng, nhưng luôn ngoái nhìn về nơi mình đã lớn lên, nơi từng con chữ âm thầm gieo xuống như những hạt mầm của ngày mai.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thu-trai-mach-nguon-tri-thuc-giua-long-pho-thi-710548.html