Thư trúng tuyển giả được rao bán trên mạng ở Trung Quốc

Sau vụ làm giả giấy báo nhập học từ ĐH Thanh Hoa khiến dư luận chú ý, Trung Quốc phát hiện hàng loạt thư trúng tuyển giả mạo được rao bán trên trang thương mại điện tử.

Gần đây, vụ nam sinh họ Tào ở thị trấn Điều Phong, thành phố Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, làm giả giấy báo trúng tuyển sau khi có kết quả thi đại học thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc.

Theo China Daily, ngoài việc Tào thừa nhận sự thật với gia đình, đứng ra xin lỗi vì làm giả thư nhập học của ĐH Thanh Hoa danh tiếng, cảnh sát cũng tiến hành điều tra nơi nam sinh mua giấy tờ giả mạo.

 Nam sinh chỉ đạt 235 điểm trong kỳ thi tuyển sinh đại học nhưng làm giả thư trúng tuyển của ĐH Thanh Hoa. Ảnh: Take Foto.

Nam sinh chỉ đạt 235 điểm trong kỳ thi tuyển sinh đại học nhưng làm giả thư trúng tuyển của ĐH Thanh Hoa. Ảnh: Take Foto.

Trong mùa thông báo kết quả tuyển sinh đại học, cảnh sát nhắm tới hoạt động mua bán thư trúng tuyển giả mạo trên trang thương mại điện tử Taobao.

Bộ phận an ninh mạng tại Alibaba - công ty mẹ của Taobao - cho biết công ty đã đưa ra hình phạt đối với các nhà sản xuất và bán lẻ liên quan đến giấy tờ giả mạo.

Công ty khẳng định không dung thứ cho hàng giả và mở chế độ cho phép người tiêu dùng báo cáo các gian hàng vi phạm.

Theo The Paper, đến ngày 19/8, nhiều thư trúng tuyển giả vẫn được rao bán trên Taobao.

Một gian hàng trực tuyến quảng cáo họ có thể làm giả giấp báo nhập học của hàng chục đại học như ĐH Sư phạm Đông Bắc (Trường Xuân, Cát Lâm) hay ĐH Giao thông Thượng Hải.

Khách hàng có thể nhận thư trúng tuyển với tên của mình, số báo danh, đóng dấu của trường đại học trong vòng một tuần.

Đến ngày 21/8, việc gõ tìm thư trúng tuyển hay các tài liệu như bằng giả trên Taobao cho kết quả "không tìm thấy sản phẩm phù hợp".

Theo Yu Ping, nhà báo ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, nhiều thí sinh mua thư trúng tuyển giả để làm hài lòng bố mẹ trong khi số khác sử dụng chúng để giả mạo danh tính, lừa đảo, gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn với xã hội.

Liu Lin, luật sư tại công ty Luật Shuangli Bắc Kinh, cho rằng người điều hành doanh nghiệp không thể chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn cần nắm chúng được sử dụng vào mục đích gì.

"Trong mọi trường hợp, bán thư báo trúng tuyển hay các sản phẩm tương tự là hành vi vô đạo đức", ông Liu nhấn mạnh.

Luật pháp Trung Quốc quy định người làm giả giấy tờ, con dấu bị giam giữ từ 5-15 ngày và phạt tiền lên đến 1.000 nhân dân tệ. Trường hợp nghiêm trọng hơn, người vi phạm có thể nhận án tù lên đến 3 năm.

Với trường hợp nam sinh họ Tào chi 3.000 nhân dân tệ mua thư trúng tuyển giả giấy báo nhập học của ĐH Thanh Hoa, cảnh sát địa phương xác nhận không có dấu hiệu phạm tội vì chỉ làm giả thư trúng tuyển. Người này chỉ nhận cảnh cáo.

Bách Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-trung-tuyen-gia-duoc-rao-ban-tren-mang-o-trung-quoc-post1122987.html