Thứ trưởng Bộ Công thương: Luật Điện lực sẽ sửa đổi toàn diện
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đang sửa toàn diện Luật Điện lực nhằm thu hút được tất cả các nguồn lực xã hội trong việc phát triển nguồn điện.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024, ngày 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, Chủ tịch UBND TP.HCM, lãnh đạo các tỉnh thành và các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước, quốc tế.
Ông Trương Thanh Hoài, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023. Trên tinh thần đối với nhiệt điện than thì không đầu tư các dự án mới, tiến tới giảm dần, nếu các dự án đang hoạt động thì phải cải tạo đưa lên hiệu suất cao hơn. Đồng thời, phải giảm phát thải tối đa.
Trong Quy hoạch điện VIII cũng có xác định nguồn điện thay thế ít phát thải hơn như từ khí thiên nhiên hóa lỏng, các nguồn điện mặt trời, năng lượng tái tạo, các nguồn điện gió trên bờ và ngoài khơi...
“Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay chúng tôi cũng đang sửa toàn diện Luật Điện lực. Theo đó, Luật Điện lực được xây dựng theo hướng nhằm thu hút được tất cả các nguồn lực xã hội trong việc phát triển nguồn điện. Thứ nhất là cung cấp đủ năng lượng, thứ hai là góp vào việc chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, giảm phát thải”, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài chia sẻ.
Thời gian qua, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương đã ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp để người dân, doanh nghiệp và các địa phương nếu có điều kiện đầu tư thì có thể bán thẳng các nguồn điện tự sản xuất ngay cho các doanh nghiệp có nhu cầu.
Bên cạnh đó, một chính sách cũng rất quan trọng, trong thời gian sắp tới, Thủ tướng cũng sẽ ký ban hành chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà và việc tự sản xuất tự tiêu thụ cũng sẽ được khuyến khích để phát triển.
Trong cơ chế này, người dân và các doanh nghiệp khi đầu tư các hệ thống điện mặt trời mái nhà sẽ được bán lên lưới điện quốc gia nếu có lượng điện dư. Tuy nhiên, đây chỉ là bước khởi đầu nên Bộ Công thương sẽ giới hạn mức độ và tỷ lệ bán lên lưới điện quốc gia nhằm đảm bảo tính ổn định và vận hành ổn định của hệ thống điện quốc gia.
“Trong Luật Điện lực sửa đổi sắp tới đây, chúng tôi cũng sẽ có những chính sách ưu đãi và hỗ trợ. Đặc biệt là chính sách điện gió ngoài khơi có những chính sách đột phá theo như Nghị quyết 55 để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đảm bảo cái mục tiêu net zero 2050”, Thứ trưởng chia sẻ.