Thứ trưởng Bộ NN-PTNT thông báo loạt tin vui tới hàng triệu nông dân
Sau chuyến công tác tại Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam thông báo loạt tin vui tới hàng triệu nông dân trồng bơ, chanh leo, chăn nuôi gia cầm,... ở nước ta.
Thêm nhiều sản phẩm được xuất chính ngạch
Trao đổi với báo chí hôm nay (22/1) về kết quả chuyến công tác tại Trung Quốc mới đây, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, trong các cuộc gặp gỡ, hai bên đã bàn bạc và thống nhất được nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Ông Nam cho hay, khi làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, hai bên đã thống nhất hoàn chỉnh bổ sung một số nội dung để ký 3 nghị định: xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên; xuất khẩu cá sấu nuôi; xuất khẩu khỉ nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Đối với sản phẩm rau củ quả, phía nước bạn đồng ý mở cửa thêm các loại trái cây chủ lực của Việt Nam. Tới đây sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục, xem xét mở cửa thị trường cho trái bơ, chanh leo Việt Nam.
Hay như với sản phẩm chăn nuôi, họ đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu gia cầm vào thị trường này.
“Đây là tin vui với người nông dân trồng bơ, chanh leo và người chăn nuôi gia cầm ở nước ta”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh. Bởi theo ông, ở nước ta bơ và chanh leo có vùng trồng lớn, mở cửa được thị trường xuất khẩu chính sạch sẽ giúp sản phẩm có đầu ra ổn định hơn.
Tương tự, nước ta có tổng đàn gia cầm gần 559 triệu con. Tổng sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng cả năm ước đạt gần 2,31 triệu tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt 19,22 tỷ quả. Hiện ngành chăn nuôi đã xây dựng được những vùng an toàn dịch bệnh, sản phẩm xuất khẩu sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trung Quốc với dân số hơn 1,4 tỷ người, thị hiếu tiêu dùng khá tương đồng với người Việt. Thế nên, khi được phía bạn gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam thì đây sẽ là thị trường tiềm năng. Các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi gia cầm nước ta có thể đẩy mạnh sản xuất để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này.
Cảnh báo về chất lượng và mẫu mã trái cây Việt
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 12,2 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2022. Theo đó, Trung Quốc chính thức vượt qua Mỹ để trở thành khách hàng lớn nhất của các mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm nay sẽ tăng trưởng cao. Bởi, nước ta đang có nhiều thuận lợi để đưa hàng hóa sang thị trường này.
Ông cho biết, trong chuyến công tác vừa qua, cơ quan chức năng ở khu vực biên giới hai nước đã thống nhất họp giao ban thường xuyên để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình xuất nhập khẩu nông sản.
Ngoài ra, khi làm việc với chính quyền tỉnh Quảng Đông, doanh nghiệp hai bên đi đến thỏa thuận xây dựng chuỗi logistics để các sản phẩm trái cây của Việt Nam thông qua chợ đầu mối ở Quảng Đông có thể tiến sâu vào thị trường Trung Quốc.
Trung tâm nông sản ở Thâm Quyến còn dành riêng một gian hàng lớn cho sản phẩm OCOP Việt trưng bày. Họ muốn tăng cường hợp tác để đưa gạo, trái cây và sản phẩm OCOP của nước ta vào trung tâm này, ông Nam cho hay.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, sau khi làm việc tại các chợ đầu mối, ông nhận thấy trái cây của nước ta có lợi thế khi vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là sầu riêng. Phía nước bạn đánh giá rất cao về sầu riêng Việt. Sản lượng sầu riêng của chúng ta đang đứng nhất nhì tại thị trường này.
Song, họ cũng cảnh báo, nếu không chú trọng vào chất lượng hàng hóa, mẫu mã thì sầu riêng Việt sẽ đánh mất tiềm năng. Bởi, sắp tới Trung Quốc cho phép một số nước xuất khẩu sầu riêng vào thị trường này.
“Tôi muốn nhắc nhở hộ dân, doanh nghiệp cần chú ý đến chất lượng, mẫu mã sầu khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Khi gặp gỡ, họ than phiền với chúng tôi rằng nhiều sản phẩm không có ngày sản xuất, chất lượng sầu riêng có một số lô không đảm bảo đã ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của người buôn bán của Trung Quốc”, ông nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, không chỉ với sầu riêng, các mặt hàng nông sản khác cũng vậy. Muốn đứng vững ở thị trường Trung Quốc, nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đảm bảo các quy chuẩn về chất lượng, mẫu mã, vấn đề an toàn thực phẩm. Cùng với đó, chúng ta phải hạ giá thành sản phẩm bằng cách xây dựng chuỗi logistics 2 chiều để cạnh tranh tốt hơn tại thị trường 1,4 tỷ dân này.