Thứ trưởng Bộ NN&PTNT tự tin với mục tiêu xuất khẩu lúa gạo

Dù diện tích đất trồng lúa giảm nhưng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đảm bảo nhờ giống lúa mới, năng suất, chất lượng cao.

Kết thúc 8 tháng đầu năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục gặt hái nhiều kết quả tích cực, hầu hết các nhóm hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu đều tăng, đem lại thặng dư thương mại lớn.

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã có cuộc trao đổi với phóng viên về kết quả thực hiện, phương hướng nhiệm vụ các tháng cuối năm để hoàn thành mục tiêu toàn ngành.

"Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đi đúng hướng"

NĐT: Với những kết quả đã đạt được trong 8 tháng đầu năm 2024, ngành nông nghiệp có kế hoạch như thế nào để đạt được mục tiêu đã đề ra thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Sau quá trình phấn đấu, cả tái cơ chế biến, xúc tiến thương mại, đạt tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng đầu năm đạt 40,08 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Đáng chú ý, xuất siêu toàn ngành nông nghiệp đạt 11,8 tỷ USD, tăng 68,4%, chiếm tỉ trọng lớn trên tổng xuất siêu của nền kinh tế. Với đà tăng trưởng trên, ngành nông nghiệp sẽ đạt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp.

Để đạt được quy mô xuất khẩu như vậy, phải nói tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đi đúng hướng theo Chiến lược 150/QĐ-TTg năm 2022 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Đồng thời, trong các lĩnh vực cũng có chiến lược riêng, lâm nghiệp có Chiến lược 523, chăn nuôi có chiến lược 1520, thủy sản có chiến lược 339 và trồng trọt có chiến lược 1748. Như vậy toàn ngành đã có chiến lược để triển khai các dự án.

Trong các lĩnh vực chúng ta đã có chiến lược và trong mỗi chiến lược đó đều có các đề án. Những đề án này đều được xây dựng trên cơ sở tổng kết cả quá trình tái cơ cấu và chúng ta đã khởi động các dự án, đi đúng quỹ đạo.

Bên cạnh đó, khó khăn phức tạp của thế giới lại chính là thời cơ. Chúng ta đã nắm bắt, vận hành và đi sâu được vào các thị trường, chẳng hạn như Mỹ vẫn là thị trường số 1, chiếm khoảng 21%; Trung Quốc trên 20%. Ngoài ra, Nhật Bản, châu Âu, Philippines, Hàn Quốc… vẫn là những thị trường có nhiều tiềm năng, lợi thế đối với nông sản Việt Nam.

NĐT: Năm 2024, ngành lúa gạo đặt mục tiêu cao hơn năm trước đó với sản lượng trên 8 triệu tấn thu về 5 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, Thứ trưởng đánh giá kế hoạch trên có khả thi hay không, cần phải làm gì để từ giờ đến cuối năm về đích?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: 8 tháng đầu năm, sản lượng lúa đạt 6,16 triệu tấn, xuất khẩu gạo đạt 3,85 tỷ USD. Với tình hình đó, từ giờ đến cuối năm toàn ngành sẽ đạt được mục tiêu đề ra là xuất khẩu trên 8 triệu tấn và thu về 5 tỷ USD.

Mặc dù diện tích lúa của Việt Nam giảm, còn 7,12 triệu ha, tuy nhiên sản lượng gạo xuất khẩu gạo vẫn đảm bảo nhờ giống lúa mới, năng suất và chất lượng cao.

Đồng thời, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản; triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU; mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, Châu Phi...

Tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng thời, theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ; phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.

Minh bạch để hội nhập sâu rộng

NĐT: Vừa qua, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký kết 3 nghị định thư quan trọng, mở đường cho việc xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sang thị trường Trung Quốc. Bước tiếp theo của Bộ NN&PTNT để triển khai những nghị định thư này là gì?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Với sầu riêng đông lạnh, chúng ta có một khối lượng rất lớn và giá trị sầu riêng xuất sang Trung Quốc rất cao. Chúng ta đã có vùng nguyên liệu, đã có giống, có quy trình nhân tạo, địa chỉ của cơ sở đóng gói…

Sầu riêng đông lạnh chính thức xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc chắc chắn đem lại lợi thế kinh tế rất lớn. Thứ hai với mặt hàng dừa, với diện tích 199,1 nghìn ha, sản lượng đạt 2 triệu tấn, đây cũng là ngành hàng có tiềm năng lớn.

Thứ ba với cá sấu, khu vực ĐBSCL có tiềm năng, lợi thế rất lớn trong việc phát triển nuôi cá sấu. Đây cũng là loài động vật dễ nuôi, có thể tận dụng những loại thức ăn có nguồn gốc động vật dư thừa, nhưng lại có thể sản xuất thành sản phẩm thịt và da cá sấu có giá trị cao.

Ngoài các quy định về kiểm dịch động vật và sức khỏe của cá sấu, cá sấu là động vật hoang dã được kiểm soát bởi cơ quan quản lý CITES - công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp.

3 Nghị định thư về sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, cá sấu sẽ có hiệu lực ngay để có sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc. Nếu các sản phẩm trên kết hợp cùng những nền tảng đã có sẽ giúp chúng ta nâng quy mô và tổng kim ngạch tại thị trường Trung Quốc.

NĐT: Liên quan đến công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, so với lần thanh tra trước, ngành nông nghiệp đã cải thiện được những khuyến nghị nào của EC?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: So với 4 lần thanh tra trước, chúng ta đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý, xử lý vi phạm pháp luật cũng tạo được sức răn đe.

Chúng ta đã xử lý và truy tố 11 vụ án hình sự, tạo sức răn đe với các đối tượng đưa người đi khai thác ở vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, việc truy xuất điện tử hiện cũng được thực hiện ở hơn 70 cảng cá. Đó là những điểm nhấn.

Theo EC đánh giá, mặc dù văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, quyết tâm chính trị cao và rất quyết liệt, song vấn đề tổ chức thực hiện ở địa phương còn hạn chế. 3 vấn đề quan trọng nhất là quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc và xử phạt vi phạm hành chính phải được xử lý thật nghiêm nếu có vi phạm. Tỉ lệ vi phạm bị xử phạt còn thấp chứng tỏ chưa có sự vào cuộc đồng bộ.

Công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp ủy, người đứng đầu ở ngành, địa phương.

Công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

NĐT: Gỡ thẻ vàng IUU là mục tiêu trước mắt của chúng ta nhưng về lâu dài mục tiêu của nghề cá là minh bạch và có trách nhiệm. Bộ NN&PTNT có kế hoạch như thế nào để giúp nghề cá đạt được mục tiêu trên?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Chúng ta đã hội nhập, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Như vậy thì không thể không minh bạch. Đó cũng là cách để chúng ta hội nhập sâu rộng hơn, nâng cao giá trị nông sản hơn.

Do vậy mà truy xuất nguồn gốc, nuôi trồng, cơ sở chế biến cũng như toàn bộ yếu tố cấu thành an toàn thực phẩm phải tuân thủ. Nếu chúng ta tuân thủ được, thế giới sẽ đánh giá cao, các thị trường sẽ chấp nhận sản phẩm của Việt Nam. Không chỉ riêng thủy sản mà trồng trọt, chăn nuôi cũng cần phải làm tương tự.

NĐT: Xin cảm ơn Thứ trưởng đã thông tin!

Nguyễn Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thu-truong-bo-nnptnt-tu-tin-voi-muc-tieu-xuat-khau-lua-gao-204240904232845808.htm