Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân: Thay đổi hành vi vì một tương lai tốt đẹp hơn

Nhân ngày Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Ngày Đại dương thế giới 8/6, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân về vấn đề bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phát triển bền vững kinh tế biển...

Thưa Thứ trưởng, thông điệp chính của Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Ngày Đại dương thế giới 8/6 năm nay như thế nào và với tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến khá phức tạp, Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ thực hiện tuyên truyền hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới và phát động Tháng hành động vì môi trường, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam như thế nào nhằm đạt hiệu quả truyền thông cao nhất?

Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc lựa chọn là “Hành động vì thiên nhiên” với mục tiêu là thúc đẩy các quốc gia trong việc cam kết bảo tồn và khôi phục đa dạng sinh học thông qua các biện pháp, hoạt động nhằm phục hồi các hệ sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước. Hành động vì thiên nhiên cũng là tiếng gọi mỗi người chúng ta phải cùng chung tay có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất của chúng ta.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân. Ảnh: KT.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân. Ảnh: KT.

Ngày Đại dương Thế giới năm nay có chủ đề: “Đổi mới vì một đại dương bền vững” sẽ là cơ hội để giới thiệu những ý tưởng, sản phẩm mới, các giải pháp khả thi vì một đại dương khỏe mạnh và bền vững.

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2020 chọn chủ đề “Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” với mục đích đổi mới công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch hành động của các bộ, ngành và địa phương nhằm thực hiện Nghị quyết số 36 của Ban chấp hành Trung ương và Nghị quyết 26 của Chính phủ về phát triển bền vững kinh tế biển.

Năm nay, trong bối cảnh toàn cầu đang phải chống chọi với đại dịch COVID-19, do đó thay cho việc tổ chức ra quân hưởng ứng sự kiện, chúng tôi mong muốn sẽ được truyền thông lan tỏa và truyền cảm hứng tới cộng đồng thông qua các phương tiên truyền thông đa phương tiện, với các nội dung về chủ đề: Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phát triển bền vững kinh tế biển với các hành động cụ thể để giảm thiểu rác thải nhựa, ngăn chặn buôn bán và tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã... để thay đổi hành vi vì một cuộc sống, tương lai tốt đẹp hơn.

Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới. Nhưng với việc công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ; gia tăng dân số và biến đổi khí hậu đã tạo sức ép lớn đến đa dạng sinh học Việt Nam. Xin Thứ trưởng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những giải pháp gì để đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học?

Việt Nam đã có một hệ thống các Khu bảo tồn được thành lập, hiện cả nước có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2.500 ha, gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan, tăng 7 khu bảo tồn so với năm 2015 với tổng diện tích tăng thêm gần 73.260 ha.

Đến nay, nước ta có 9 khu Ramsar với tổng diện tích hơn 120.000 ha; 10 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích gần 188.000 ha và 9 khu vực được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích hơn 4,2 triệu ha. Trong năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng hồ sơ đề cử và được Ban Thư ký ASEAN công nhận thêm 4 Vườn di sản ASEAN, nâng tổng số vườn di sản ASEAN của Việt Nam thành 10 khu.

Gần đây nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp, tranh thủ sự hỗ trợ của các Tổ chức quốc tế đã triển khai thành công việc thành lập 2 khu bảo tồn đất ngập nước là Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) và Phá Tam giang - Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Để đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng và hoàn thiện pháp luật: Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội thông qua năm 2008, để hướng dẫn thực hiện thì đã có 9 Nghị định, 2 Nghị quyết của Chính phủ; 10 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư của các Bộ.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, trong đó đang dự thảo 7 điều có nội dung liên quan để góp phần làm tốt hơn công tác bảo tồn đa dạng sinh học, xem “cảnh quan thiên nhiên”, đa dạng sinh học là thành phần môi trường quan trọng cần quan tâm, bảo vệ.

Rừng ngập mặn như những bức bình phong bảo vệ an toàn cho thuyền bè neo đậu và nhà cửa của người dân phía trong đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế). Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN.

Rừng ngập mặn như những bức bình phong bảo vệ an toàn cho thuyền bè neo đậu và nhà cửa của người dân phía trong đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế). Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN.

Cùng đó, lập quy hoạch quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu bảo tồn đến năm 2030;

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tăng cường giải pháp quản lý thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua giải pháp dựa vào thiên nhiên, “thuận thiên”, phát huy tri thức bản địa để giảm nhẹ tác động tới các hệ sinh thái và đa dạng sinh học; tăng cường quản lý, bảo tồn các hệ sinh thái đất ngập nước, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; thực hiện chương trình bảo tồn loài nguy cấp; quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen.

Đặc biệt, chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy các hoạt động quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học; làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác của các bên liên quan, bao gồm các đối tác quốc tế, sự phối hợp liên ngành, sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng. Tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học từ Trung ương đến địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đa dạng sinh học.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có những giải pháp nào không chỉ trong năm nay mà ở giai đoạn tiếp theo để góp phần thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, thưa Thứ trưởng?

Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định phải triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp mà Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết 26 của Chính phủ; trong đó tập trung 5 lĩnh vực quan trọng theo tôi cần đổi mới và đột phá: Tập trung rà soát, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo.

Cùng đó, coi khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao là phương tiện thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo vào công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong công tác quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ đảm bảo hiện đại, đồng bộ, nâng cao hiệu quả phối hợp và xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn cao. Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, thực hiện tốt Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) đóng góp trách nhiệm vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.

Bộ cũng sẽ chủ động, tích cực tham gia và đề xuất, thực hiện các sáng kiến hợp tác về các lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương trong khuôn khổ ASEAN và khu vực Thái Bình Dương, góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp trên biển của ta.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/thu-truong-bo-tnmt-vo-tuan-nhan-thay-doi-hanh-vi-vi-mot-tuong-lai-tot-dep-hon-20200604111403857.htm