Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông: Ứng dụng truyền thông hiện đại để quảng bá tác phẩm Nhà nước đặt hàng
Ngay sau loạt bài 'Tác phẩm đặt hàng - Đặt rồi, để đâu?' (đăng trên Báo SGGP từ ngày 3-3 đến ngày 5-3), Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông đã có những chia sẻ với phóng viên Báo SGGP xung quanh những trăn trở về việc làm thế nào để các tác phẩm văn học nghệ thuật được Nhà nước đặt hàng có thể đến được với công chúng.
PHÓNG VIÊN: Một trong những điều độc giả băn khoăn nhất là tại sao Đào, phở và piano - tác phẩm được Nhà nước đầu tư có ý nghĩa như vậy - lại chỉ có thể phục vụ công chúng trong một phạm vi có hạn?
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL TẠ QUANG ĐÔNG: Theo quy định của Luật Điện ảnh, các phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước là để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Thông lệ từ nhiều năm nay, các phim sản xuất ra sẽ được trình chiếu tại các tuần phim, đợt phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước, đồng thời gửi tới các trung tâm phát hành phim và chiếu bóng, trung tâm điện ảnh… 63 tỉnh, thành phố để chiếu phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân. Rất nhiều bộ phim sau đó được phổ biến rộng rãi trên hệ thống đài truyền hình các tỉnh, thành phố.
Riêng với phim Đào, phở và piano, Hồng Hà nữ sĩ và chùm 6 phim hoạt hình Việt Nam do Nhà nước sản xuất, phát hành, phổ biến có bán vé là dựa theo kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia và một số đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình trên toàn quốc.
Nhân hiện tượng Đào, phở và piano, Bộ VH-TT-DL có lên kế hoạch gì để đưa các tác phẩm này gần hơn với nhân dân không?
Trong Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, công tác phát hành, phổ biến phim - đầu ra của điện ảnh chiếm vị trí thiết yếu, ảnh hưởng sâu rộng và tác động trực tiếp trong giáo dục chính trị, tư tưởng, thẩm mỹ cho công chúng, làm phong phú hơn đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Chính vì thế, những năm qua, Bộ VH-TT-DL đã tập trung phổ biến các bộ phim đặt hàng phục vụ nhiệm vụ chính trị theo các kênh như: giới thiệu, công chiếu phim sau khi phim được cấp giấy phép phân loại phim; tổ chức chiếu phim tại các sự kiện chính trị, xã hội; tổ chức chiếu tại các địa phương thông qua các đơn vị nhà nước…
Từ hiệu ứng của phim Đào, phở và piano, có thể thấy tác phẩm Nhà nước đặt hàng muốn có sức lan tỏa cần phải được tiếp cận công chúng thông qua nhiều kênh phân phối. Sau thời gian phát hành, phổ biến thí điểm này, Bộ VH-TT-DL sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về phổ biến, phát hành phim sử dụng ngân sách nhà nước, hướng tới thực hiện hài hòa các mục tiêu phục vụ nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng, phù hợp với xu hướng phát triển điện ảnh và thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh công nghệ số, kỹ thuật số đang có những bước phát triển mạnh mẽ, ngành văn hóa cũng sẽ hết sức chú trọng và đẩy mạnh sử dụng công cụ truyền thông hiện đại, sự lan tỏa của không gian mạng, tận dụng thế mạnh của điện ảnh để giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Không chỉ phim truyện mà kịch, các trại sáng tác, các cuộc thi sáng tác kịch bản, mỹ thuật, âm nhạc… dường như cũng rơi vào tình cảnh tương tự, bởi sau khi nghiệm thu thì không có nguồn vốn hoặc không có cơ chế để lan tỏa mạnh giá trị tác phẩm. Vấn đề này cần tháo gỡ như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Hàng năm, Bộ VH-TT-DL tổ chức nhiều cuộc thi, liên hoan, hội diễn để tìm kiếm và tôn vinh các tác giả, tác phẩm, từ đó chọn những tác phẩm có giá trị đưa ra công chúng. Hiện nay, bộ đã có kế hoạch truyền thông tổng thể nhằm phổ biến các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch; các sự kiện, hoạt động của ngành.
Câu chuyện về hợp tác công - tư trong văn hóa nghệ thuật đã được nói nhiều, song cần làm gì để mối hợp tác này có thể triển khai, phát huy hiệu quả nhằm phát huy nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, đồng thời lan tỏa nhiều giá trị nghệ thuật đích thực tới nhân dân?
Thời gian qua, Bộ VH-TT-DL đã kiến nghị, đề xuất Chính phủ trên cơ sở tổng kết việc áp dụng thí điểm phương thức đối tác công - tư tại TPHCM và Hà Nội để sắp tới trình Quốc hội bổ sung lĩnh vực văn hóa và thể thao là đối tượng điều chỉnh trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.
Đồng thời, Bộ VH-TT-DL cùng với một số địa phương thông qua việc xây dựng thí điểm các cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cũng đã đề xuất cho phép áp dụng hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công - tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh, thành phố (gồm các tỉnh, thành phố: TPHCM, Nghệ An, Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Nam, Hải Phòng). Hiện đề án thí điểm của TPHCM đã được thông qua.
Tuy nhiên, để có thể triển khai, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư theo phương thức đối tác công - tư cũng như tạo động lực cho người sáng tạo, đồng thời lan tỏa nhiều giá trị nghệ thuật đích thực tới nhân dân thì yếu tố quan trọng là xác định những đối tượng cụ thể trong lĩnh vực văn hóa và thể thao được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực.