Thứ trưởng Bộ Y tế nói gì về việc chưa 'gỡ' được tình trạng thiếu thuốc tại bệnh viện?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế đang tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu cùng nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn liên quan đến đấu thầu tại các bệnh viện.

Chiều 1/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã chủ trì buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế xã hội và giải đáp, làm rõ các vấn đề dư luận xã hội và báo chí quan tâm.

Tháo gỡ khó khăn liên quan đến đấu thầu tại các bệnh viện

Tại cuộc họp, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến giải pháp hỗ trợ các bệnh viện trong tình trạng thiếu thuốc khi chưa gỡ rối được đấu thầu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế đang tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế; nhất là đối với các thuốc hiếm; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán giá...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương

Bộ Y tế tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế về công tác quản lý trang thiết bị y tế; nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết cho điều trị các bệnh hiếm gặp để kịp thời phục vụ công tác mua sắm, điều trị tại các cơ sở y tế. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.

Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối các cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc để theo dõi nguồn cung của thuốc, qua đó có căn cứ để điều tiết kịp thời việc nhập khẩu, kinh doanh thuốc đảm bảo đủ thuốc cho nhu cầu điều trị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế cũng tăng cường hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng thuốc có cùng hoạt chất, có tác dụng tương đương điều trị. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm tại các cơ sở khám bệnh chữa bệnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ phát biểu tại họp báo

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ phát biểu tại họp báo

Kinh tế - xã hội tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh và mạnh, ấn tượng.

Trước đó, mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ đã thông tin về các nội dung chính của Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, vừa kết thúc vào sáng nay, 1/10.

Theo đó, về kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ, các địa phương thống nhất nhận định, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, tình hình KT-XH nước ta tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh và mạnh, ấn tượng, đặc biệt là GDP quý III tăng cao, đạt 13,67%, góp phần đưa tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 8,83% (cao nhất từ năm 2011 đến nay). Có 10 địa phương có GRDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng trên 11%. Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội cũng đều đạt mức tăng trưởng cao, lần lượt là 9,97% và 9,69%.

Kinh tế tăng trưởng trên cả 3 khu vực, như: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,63%; khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 10,57%.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, tình hình KT-XH nước ta tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh và mạnh, ấn tượng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, tình hình KT-XH nước ta tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh và mạnh, ấn tượng.

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 2,73%, tương đương cùng kỳ các năm từ 2018-2021. Các cân đối lớn được bảo đảm (thu NSNN 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22%. Kim ngạch XNK đạt gần 559 tỷ USD, tăng 15,1%, xuất siêu 6,52 tỷ USD. An ninh lương thực được bảo đảm. Cung cấp đủ điện, xăng dầu. Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu).

Vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 9 tháng đạt trên 15,4 tỷ USD (cao nhất trong 5 năm qua), tăng 16,2% so với cùng kỳ cho thấy xu hướng mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh khá tích cực, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp vào việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta.

An sinh xã hội được bảo đảm (từ tháng 7/2021 đến nay, đã hỗ trợ trên 85,3 nghìn tỷ đồng cho trên 55,2 triệu lượt người lao động và gần 856 nghìn người sử dụng lao động theo các nghị quyết của Chính phủ). Tình hình lao động chuyển biến tích cực, thị trường lao động phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm mạnh.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại được đẩy mạnh. Nhiều vấn đề tồn đọng hoặc các vấn đề nóng, đột xuất phát sinh được tập trung chỉ đạo, xử lý, giải quyết phù hợp, hiệu quả.

Các tổ chức quốc tế đều đánh giá tích cực về tình hình KTXH của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm 2022 và 2023 thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á (Moody, WB, IMF, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lần lượt là 8,5%, 7,2%, 7%, 6,5%). Moody nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định. Nikkei Asia xếp Việt Nam ở vị trí thứ 2 về chỉ số phục hồi sau dịch COVID-19.

Xuân Trường

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/thu-truong-bo-y-te-noi-gi-ve-viec-chua-go-duoc-tinh-trang-thieu-thuoc-tai-benh-vien-20221001171250314.htm