Thủ trưởng các đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm nếu chủ quan lơ là, thiếu trách nhiệm trong phòng, chống bão
Bão số 3 là cơn bão có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn và diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Kạn có thể nằm trong vùng hoàn lưu bị ảnh hưởng và có nguy cơ xuất hiện mưa dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại các khu vực đô thị...
Để chủ động ứng phó với bão Yagi, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó với bão số 3, Công an tỉnh Bắc Kạn phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để có phương án phối hợp hiệu quả. Đồng thời chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trực 100% quân số, triển khai công tác ứng phó với bão theo phương châm”bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu và xử lý các tình huống xảy ra.
Chiều 06/9, Đoàn công tác của Công an tỉnh do Đại tá Nguyễn Thanh Tuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Công an tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng chống bão Yagi tại các đơn vị gồm: Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH; Phòng Cảnh sát cơ động; Phòng Cảnh sát giao thông và Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Kạn.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo tình hình và công tác chủ động ứng phó với bão số 3, Đại tá Nguyễn Thanh Tuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời và hiệu quả công tác phòng, chống bão với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để đảm bảo an toàn tính mạng người dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Thủ trưởng các đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc Công an tỉnh nếu để xảy ra việc chủ quan lơ là, thiếu trách nhiệm, chậm triển khai ứng phó, phòng chống bão, mưa lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả do mưa lũ khi có yêu cầu. Đối với Công an các địa phương, căn cứ tình hình thực tế, có phương án để ứng phó kịp thời, lực lượng Công an cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ lụt, sạt lở đất để có phương án tuyên truyền, vận động Nhân dân chủ động sơ tán, di dời, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, hạn chế thiệt hại khi mưa lũ, ngập úng cục bộ và sạt lở đất xảy ra./.