Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì hội nghị tìm 'sứ mệnh' mới cho Trường Cao đẳng Luật miền Trung

Ngày 4/7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã có buổi khảo sát, làm việc tại Trường Cao đẳng Luật miền Trung - đơn vị đào tạo đóng tại phường Đồng Thuận, tỉnh Quảng Trị (mới) và thống nhất đề xuất phương án sáp nhập Trường này sẽ làm Phân hiệu của Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh.

Dự Hội nghị khảo sát và thống nhất đề xuất phương án sáp nhập Trường này làm Phân hiệu của Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, về phía Bộ Tư pháp có Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bùi Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Trung Võ Khắc Hoan cùng Ban giám hiệu, tập thể cán bộ, giáo viên Nhà trường.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Bộ Nguyễn Viết Lộc; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lê Đình Nghị; Vụ trưởng Vụ Pháp chế Mai Thị Anh; phía Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh có Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng - PGS.TS Vũ Văn Nhiêm; Hiệu trưởng - TS Lê Trường Sơn...

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cùng các đại biểu khảo sát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất kỹ thuật của Trường Cao đẳng Luật miền Trung.

Trước khi diễn ra Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cùng các đại biểu đã thực hiện chuyến khảo sát, đánh giá lại về hiện trạng cơ sở vật chất kỹ thuật của Trường Cao đẳng Luật miền Trung.

Theo đánh giá của Thứ trưởng và các đại biểu, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có của Trường Cao đẳng Luật miền Trung khá đầy đủ, đồng bộ đáp ứng công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học pháp lý, tổ chức các sự kiện quan trọng và các hoạt động xã hội khác.

Cụ thể, Trường hiện có tổng diện tích khuôn viên là 142,5 nghìn m2, được xây dựng đồng bộ với 12 khối công trình chính và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình phụ trợ đầy đủ như: khối nhà hiệu bộ; 3 khối nhà giảng đường (A và B với tổng diện tích trên 5.000m2); khối nhà công vụ, căng tin, ký túc xá, thư viện, nhà thi đấu đa năng, sân vận động... Ngoài ra, các thiết bị, thông tin liên lạc, mạng máy tính, bàn ghế, máy tính, máy chiếu, bảng… được bố trí phù hợp cho việc giảng dạy và các hoạt động khác.

Tính đến ngày 1/6/2025, tổng số nhân sự của Trường là 45 người. Đội ngũ cán bộ, giảng viên đa số là người của tỉnh Quảng Bình (cũ) nay là tỉnh Quảng Trị (mới), trẻ trung, có truyền thống hiếu học, cần cù, luôn mong muốn gắn bó lâu dài với Trường và sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới sau tái cơ cấu với trách nhiệm cao.

Quang cảnh Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oang đánh giá cao những kết quả mà Trường Cao đẳng Luật miền Trung đạt được trong những năm qua. Nhà trường đã góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật khu vực miền Trung - Tây Nguyên và hợp tác đào tạo với nước bạn Lào. Dẫu vậy, thực tiễn mới của đất nước đặt ra hiện nay khiến mô hình đào tạo của Nhà trường không còn phù hợp và Trường Cao đẳng Luật miền Trung được xem như đã kết thúc trọn vẹn “sứ mệnh” chính trị của mình.

Thứ trưởng nhận định, trước yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục theo hướng hiện đại, linh hoạt, gắn với thị trường lao động và hội nhập quốc tế, phù hợp với chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước; Đề án sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm ít nhất 15% số lượng cơ sở công lập và hình thành các mô hình liên kết vùng, ngành, trình độ; Nghị định 125/2024/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập nên việc khảo sát và thống nhất phương án sáp nhập Trường Cao đẳng Luật miền Trung thành Phân hiệu của Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, cũng như yêu cầu chuyển đổi, phát triển và mở rộng quy mô của 2 Nhà trường.

Tập trung phân tích các thuận lợi của việc thành lập Phân hiệu Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập Trường Cao đẳng Luật miền Trung, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nêu rõ: Về thuận lợi chung, khi sáp nhập Trường Cao đẳng Luật miền Trung thành Phân hiệu sẽ giúp Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh vươn tầm ảnh hưởng ra toàn quốc, đặc biệt là khu vực miền Trung, nơi chưa có nhiều cơ sở đào tạo luật uy tín trình độ đại học và sau đại học. Phân hiệu mới sẽ đóng vai trò là “cánh tay nối dài” trong thực hiện sứ mệnh đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng pháp lý.

Đồng thời, tận dụng cơ sở vật chất và đội ngũ hiện có khi Trường Cao đẳng Luật miền Trung đã được đầu tư cơ sở vật chất, ký túc xá, phòng học, giảng đường tương đối đồng bộ. Việc chuyển đổi thành Phân hiệu sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư ban đầu cho cơ sở mới. Bên cạnh đó, sẽ bảo đảm thực hiện chủ trương tinh gọn và nâng cao chất lượng mạng lưới cơ sở đào tạo công lập của Chính phủ nói chung và của Bộ Tư pháp nói riêng trong việc sắp xếp lại hệ thống các trường thuộc Bộ, theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phát huy vai trò các đơn vị đào tạo đầu ngành.

Về thuận lợi riêng khi Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh có thêm Phân hiệu tại miền Trung, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đó là tăng cường khả năng tuyển sinh từ khu vực miền Trung - Bắc Trung Bộ. Phân hiệu tại Đồng Hới sẽ là điểm đến hấp dẫn cho sinh viên các tỉnh từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… vốn có nhu cầu cao về học luật nhưng còn hạn chế về điều kiện đi lại và kinh tế; rút ngắn khoảng cách địa lý, giảm chi phí sinh hoạt, từ đó tăng sức hút và mở rộng nguồn tuyển sinh.

Không những thế, mở rộng khả năng tuyển sinh quốc tế, đặc biệt từ Lào. Thứ trưởng nêu, Quảng Bình có vị trí gần biên giới với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, có các tuyến giao thông xuyên Á, cửa khẩu quốc tế Cha Lo nối liền với Lào. Việc đặt Phân hiệu tại đây sẽ giúp Trường tuyển sinh trực tiếp sinh viên Lào, nhất là từ các tỉnh Trung và Nam Lào như Khammuane, Savannakhet, Bolikhamxay…; góp phần thúc đẩy hợp tác giáo dục, giao lưu văn hóa và ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và Lào.

Hơn nữa, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cũng có nhiều lợi thế từ việc phát triển đào tạo gắn với nhu cầu khu vực bởi miền Trung có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực pháp lý, đặc biệt trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, hành chính công, quản lý kinh tế biển, giải quyết tranh chấp. Phân hiệu tại đây có thể thiết kế các chương trình đào tạo chuyên biệt phù hợp với đặc thù khu vực, từ đó đa dạng hóa chương trình và đáp ứng thị trường lao động.

Ngoài ra, Trường còn gia tăng năng lực nghiên cứu và phục vụ cộng đồng khi có thêm địa bàn nghiên cứu thực tiễn pháp lý đa dạng từ khu vực miền Trung, đặc biệt là về biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, dân tộc thiểu số…; củng cố vai trò trường đại học luật đầu ngành trong việc đề xuất chính sách, phản biện xã hội, hỗ trợ pháp lý cho người dân và doanh nghiệp địa phương…

“Việc mở Phân hiệu ở miền Trung sẽ nâng tầm Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh từ một trường khu vực phía Nam lên thành một trường đại học đa phân hiệu có phạm vi quốc gia. Đồng thời, thể hiện năng lực quản trị và phát triển chiến lược của Nhà trường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đại học”, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đúc rút.

Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Viết Lộc phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, đại diện phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Bộ Nguyễn Viết Lộc, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Mai Thị Anh và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lê Đình Nghị cũng đều có chung quan điểm việc sáp nhập Trường Cao đẳng Luật miền Trung thành Phân hiệu của Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh là một xu hướng phù hợp với chủ trương chung. Thực tế đã chứng minh rằng, các Phân hiệu khi thực hiện quy trình thủ tục sáp nhập cũng rất nhanh chóng, thuận lợi và sau khi thành lập đều tổ chức và hoạt động tốt.

Các đại biểu cũng khẳng định, cơ sở vật chất, con người của Trường Cao đẳng Luật miền Trung là quá tốt, khang trang, hiện đại, đáp ứng đầy đủ yêu cầu để trở thành Phân hiệu. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là 2 đơn vị phải tiếp tục nghiên cứu kỹ các vấn đề liên quan trước khi quyết định xây dựng đề án sáp nhập.

PGS.TS Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật TP Hồ Chi Minh phát biểu tại Hội nghị.

Về phía Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, PGS.TS Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường cũng như TS Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng đều bày tỏ sự ghi nhận tình cảm và sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Bộ Tư pháp, đặc biệt là trách nhiệm và tâm huyết của Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh.

“Tất cả những tình cảm, trách nhiệm lớn lao đó đã tạo ra mối cơ duyên để 2 Nhà trường có cơ hội được nghiên cứu, khảo sát để sáp nhập và thành lập Phân hiệu. Điều đó cũng rất phù hợp với sự chỉ đạo của hai Bộ cũng như định hướng chung lâu dài của 2 Nhà trường”, TS Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP HCM khẳng định thêm.

Các lãnh đạo của Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh đều đánh giá rất cao hệ thống cơ sở vật chất, hình thức quản lý, tinh thần trách nhiệm, nguyện vọng cũng như sự đón tiếp nhiệt tình của Trường Cao đẳng Luật miền Trung. Đồng thời, cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục làm việc sâu hơn, cụ thể hơn với Nhà trường để đánh giá, phân tích và thống nhất phương án trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh bày tỏ: “Chúng tôi cảm ơn lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh đã quan tâm, quyết liệt trong việc tổ chức khảo sát, đánh giá các điều kiện hiện có của Trường Cao đẳng Luật miền Trung và sự thiện chí trong việc nghiên cứu thực hiện các bước tiếp theo”.

Thứ trưởng khẳng định, Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, Trường Cao đẳng Luật miền Trung phối hợp với các bên để tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá và hoàn thiện các thủ tục nếu nhận được sự thống nhất của Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trần Nguyên Phong

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thu-truong-dang-hoang-oanh-chu-tri-hoi-nghi-tim-su-menh-moi-cho-truong-cao-dang-luat-mien-trung.html