Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Kích cầu tiêu dùng nội địa để ngành bán lẻ tăng trưởng mạnh hơn
Thứ trưởng Bộ Công Thương đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về kế hoạch hành động của ngành công thương với mục tiêu tạo sức hút lớn, kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy ngành bán lẻ Việt Nam.
Nhằm hỗ trợ, kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chiều 1/7, Bộ Công Thương đã phát động Chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa và tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020.
Bên lề lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về kế hoạch hành động của ngành công thương với mục tiêu tạo sức hút lớn, kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy ngành bán lẻ Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, đến thời điểm này có thể nhận thấy rằng việc kích cầu và tiêu dùng nội địa là những giải pháp giúp tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Vậy, Bộ Công Thương đã có những chương trình cụ thể như thế nào liên quan đến vấn đề này?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Không phải chỉ có thời điểm này khi dịch COVID-19 có tác động rất nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong khi nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc tương đối nhiều vào kim ngạch xuất khẩu.
Hơn nữa, không phải thời điểm này mới kích cầu nội địa mà đã rất nhiều năm trước theo chỉ đạo của các cấp, các ngành, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án phát triển thị trường nội địa và có thêm nhiều các chương trình khác nữa.
Chẳng hạn từng mặt hàng, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng chương trình tiêu thụ ngay tại thị trường trong nước.
Ngoài ra, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với thị trường nội địa hay các chương trình liên quan đến miền núi, biên giới, hải đảo và các vùng sâu, vùng xa.
Chính vì vậy, tại thời điểm này khi hoạt động xuất nhập khẩu có ảnh hưởng thì việc đẩy mạnh thương mại nội địa, thị trường trong nước hết sức quan trọng.
Ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã xây dựng những chương trình về phát triển thị trường nội địa gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hay từng mặt hàng ứng với kết nối cung cầu giữa các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh thành trên địa bàn toàn quốc.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tổ chức các chương trình đưa hàng hóa thiết yếu đến các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa những nơi doanh nghiệp khó tiếp cận hoặc có tiếp cận nhưng không mang lại hiệu quả. Vì thế, các chương trình mà Bộ Công Thương đang xây dựng hết sức cần thiết.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng chương trình kích cầu nội địa gồm rất nhiều nội dung; trong đó có chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020 và được tổ chức trên toàn quốc.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với những thành phố lớn và tất cả các địa phương để xây dựng hội chợ, triển lãm và kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng và nhất là sự phối hợp của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để đưa các mặt hàng có chất lượng đến người tiêu dùng cả nước.
Phóng viên: Xin Thứ trưởng chia sẻ thêm những điểm mới trong việc kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng hoặc cách thức làm mới trong thời gian qua?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Cách thức làm mới hay tiêu thụ hàng hóa đầu tiên cần sự chủ động từ phía doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương; trong đó có các cấp các ngành, các địa phương đã xây dựng những hội nghị, hội thảo nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của các doanh nghiệp trong nước.
Cùng với đó là những cuộc kết nối cung cầu, sản phẩm ngay tại Việt Nam như vải, xoài, mận từ Sơn La, Lai Châu nhưng để người tiêu dùng phía Nam biết tới.
Ngược lại, những sản phẩm về thủy sản trong Nam cũng được đưa ra giới thiệu tới người tiêu dùng biên giới, vùng sâu phía Bắc.
Vì vậy, rất cần những sự kết nối, hội chợ, triển lãm hay hội nghị, hội thảo kể cả tập huấn cho doanh nghiệp về kỹ năng thị trường, phát triển từng sản phẩm, mẫu mã…đều hết sức quan trọng để phù hợp với thị hiếu và thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam.
Trước đây, mặc dù chúng ta đã kêu gọi và nhiều doanh nghiệp cũng đã nhận thức được việc không chỉ tập trung vào xuất khẩu mà thị trường nội địa với 100 triệu dân cũng là thị trường rất lớn mang lại hiệu quả thiết thực nhưng đầu tư với thị trường này còn có mức độ, thậm chí chưa được coi trọng đúng mức.
Do đó, việc kết nối của các cơ quan quản lý Nhà nước; trong đó có Bộ Công Thương đối với các doanh nghiệp để họ hiểu được những thị trường, mặt hàng có thế mạnh.
Ngoài ra, không phải sản phẩm nào người dân trong nước cũng phù hợp, như cá tra, cá ba sa có thể xuất khẩu rất tốt, nhất là sang Hoa Kỳ, EU nhưng với thị trường trong nước lại chưa thích hợp.
Vậy nên, Bộ Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu để cá tra, cá ba sa không dừng lại ở việc bán tươi sống mà còn hướng dẫn cách chế biến sao cho phù hợp với thị hiếu và thuận lợi hơn cho người tiêu dùng Việt Nam.
Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiêu thụ thuận lợi hơn trong việc kích thích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm mà hiện nay đang có ngay tại Việt Nam.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!/.