Thứ trưởng Đỗ Thành Trung chỉ ra 4 vấn đề trăn trở trong phát triển ngành logistics Việt Nam
Làm thế nào để các doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể nắm bắt, ứng dụng được các công nghệ mới, tận dụng được những tiềm năng sẵn có của đất nước và những cơ hội khách quan mang lại để có đủ sức cạnh tranh cả ở trong nước và quốc tế, để đưa ngành logistics của Việt Nam phát triển xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của mình?
Tại Hội nghị Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề “Chuyển đổi để bứt phá” do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 31/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đánh giá, Logistics là một ngành dịch vụ có vai trò thiết yếu và đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện tại, những người làm trong ngành logistics, những doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, không kém các ngành khác, thậm chí khó khăn hơn. Thứ trưởng chia sẻ câu chuyện của vợ ông cũng đã công tác gắn bó với một công ty xuất khẩu nước ngoài, nên hiểu rất rõ những khó khăn trong ngành.
"Mỗi lần nghe vợ tôi trao đổi, tôi hiểu những chia sẻ, cảm thấy sự bất lực của chính mình, nói như vậy để bày tỏ rằng, không chỉ cá nhân tôi mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan tham mưu chính phủ... hiểu được khó khăn và cũng chỉ ra các khó khăn đấy được chỉ ra trong nhiều báo cáo, trao đổi, bao gồm 4 khó khăn:
Thứ nhất, chính sách, thể chế đối với ngành logistics còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa có khung khổ pháp lý đầy đủ đối với ngành logistics.
Thứ hai, Việt Nam cần có những cảng trung chuyển, gắn liền hệ thống sân bay, trung tâm tài chính, biến hệ thống giao thông cơ bản như thế nếu được phát triển mới giúp logistics phát triển, tạo cuộc cách mạng giao vận.
Khó khăn trong phát triển trung tâm kho bãi, tạo lợi thế cạnh tranh, hành lang vận tải kết nối đa phương thức thiếu và yếu. Doanh nghiệp logistics mới phát triển còn non trẻ, khả năng cạnh tranh chưa cao. Chúng ta chỉ có những cầu cảng dài 300 - 350 m, sau này chúng ta cần có những cầu cảng dài hàng km, cần có những cảng trung chuyển gắn liền khu chế xuất, hệ thống giao thông.
"Chúng ta đang phải cạnh tranh với nước ngoài. Nhưng chúng ta cần tiếp cận linh hoạt, cạnh tranh đúng nhưng cạnh tranh hợp tác cũng là keyword để tất cả chúng ta tìm được con đường riêng phát triển doanh nghiệp mình trong ngành logistics Việt Nam", Thứ trưởng nói.
Thứ tư là vấn đề đầu tư nhân lực cho ngành còn thiếu và yếu, bản thân logistics cũng như các ngành khác đang chuyển đổi mạnh và nhanh, ngày càng hiệu quả.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung hy vọng các diễn giả, khách mời cùng trao đổi 4 nội dung rất tâm đắc trên.
Về cơ chế chính sách chúng tôi là người viết, không chỉ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước… nhưng chúng tôi cũng muốn có đầu vào, chính là các diễn giả, khách mời.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể nắm bắt, ứng dụng được các công nghệ mới, tận dụng được những tiềm năng sẵn có của đất nước và những cơ hội khách quan mang lại để có đủ sức cạnh tranh cả ở trong nước và quốc tế, để đưa ngành logistics của Việt Nam phát triển xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của mình.
Bên cạnh yêu cầu định hướng phát triển, yêu cầu thực tế cũng quan trọng, chúng tôi sẽ phải làm gì, đây là điều chúng ta phải đặt ra phản ảnh logistics và cơ quan quản lý xây dựng được chính sách tốt hơn, kiến tạo hơn, đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục, thúc đẩy sự gia nhập, hình thành phát triển của doanh nghiệp logistics.
Để đạt được điều đó, Thứ trưởng cho rằng các bộ, ngành và địa phương cùng với doanh nghiệp cần phối hợp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Thứ nhất, về cơ chế chính sách, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp logistics; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Thứ hai, về kết cấu hạ hạ tầng, ngoài hạ tầng lớn mang tính quốc gia, hạ tầng kết nối vùng, giữa các tiểu vùng giữa các địa phương đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chúng tôi muốn chúng ta tham gia đóng góp để xác định ưu tiên kể cả hạ tầng vận tải, hạ tầng năng lượng, hạ tầng kết nối khác.
Thứ ba, làm gì để phát triển nguồn nhân lực? Chúng ta có cần chuyên ngành riêng, sâu không hay vẫn chờ các trường giao thông vận tải, kinh tế đào tạo cho chúng ta?
Thứ tư, việc logistics cần nâng cao năng lực, chúng ta phải làm với các đối tác nước ngoài. Chúng tôi cũng đang trăn trở với những câu hỏi tôi vừa gợi ý.
"Bản thân Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Báo Đầu tư nhận thức được nhưng để biến nhận thức thành hành động để hỗ trợ các bạn cần đường dài, nên chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm chia sẻ đồng hành của tất cả các doanh nghiệp logistics, đối tác quan tâm đến Việt Nam, không chỉ phát triển ngành logistics Việt Nam mà còn là doanh nghiệp logistics kinh doanh tại Việt Nam", Thứ trưởng nói.