Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Đổi mới để khẳng định vị thế của nghề điều dưỡng trong xã hội
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Hội Điều dưỡng Việt Nam vào sự phát triển của y học Việt Nam, xong Thứ trưởng cũng khẳng định sự cần thiết phải đổi mới một cách căn bản và toàn diện ngành điều dưỡng Việt Nam...
Hoạt động của Hội Điều dưỡng Việt Nam trở thành một trong những kiểu mẫu mang lại nhiều bài học quý giá
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Điều dưỡng Việt Nam (26/10/1990- 26/10/2020) diễn ra ngày 17/12, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh hoạt động của Hội Điều dưỡng Việt Nam đã trở thành một trong những kiểu mẫu mang lại nhiều bài học quý giá. Những đóng góp của Hội vào sự phát triển chuyên ngành điều dưỡng đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc…, hàng ngàn hội viên đã được tặng bằng khen về thành tích chăm sóc người bệnh, thành tích phòng chống đại dịch COVID -19 và thành tích công tác hội.
Tuy nhiên Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng khẳng định sự cần thiết phải đổi mới một cách căn bản và toàn diện ngành điều dưỡng Việt Nam.
“Một số không nhỏ trong chúng ta vẫn chưa có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của ngành điều dưỡng trong y học và y tế. Vẫn còn quan niệm điều dưỡng là người hỗ trợ kỹ thuật đơn thuần cho bác sĩ hay chỉ thực hiện y lệnh của bác sĩ. Khi nói tới điều dưỡng một số người vẫn gọi là y tá. Vì vậy vị thế nghề nghiệp của người làm công việc chăm sóc người bệnh chưa được đánh giá đúng so với vị thế của người bác sĩ”-Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Bên cạnh đó, mặc dù đã có các khoa, các trường đào tạo điều dưỡng cao đẳng, đại học và sau đại học nhưng do thiếu đội ngũ trí thức điều dưỡng được đào tạo ở trình độ cao nên việc đào tạo vẫn mang dáng dấp của đào tạo bác sĩ. Đa số giảng viên dạy điều dưỡng là bác sĩ dẫn đến kiến thức và kỹ năng truyền đạt là kiến thức và kỹ năng của bác sĩ.
Hệ thống quản lý điều dưỡng đã được hình thành từ Bộ Y tế, đến các Sở Y tế và các bệnh viện, tuy hiên đội ngũ điều dưỡng trưởng trong các bệnh viện công chưa được trao đầy đủ trách nhiệm trong việc quản lý điều hành chăm sóc người bệnh.
Đặc biệt, các chính sách phát triển chuyên ngành điều dưỡng còn thiếu và chưa đồng bộ. Chưa kết nối hiệu quả giữa đào tạo và sử dụng. Tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ còn thấp và tỷ lệ điều dưỡng/10 ngàn dân mới đạt > 50% so với Nghị quyết số 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Trong khi đó, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 25 điều dưỡng/1 vạn dân và đến 2030 có 33 điều dưỡng/1 vạn dân. Những khó khăn bất cập nêu trên ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng chăm sóc người bệnh. Chất lượng thấp không phải do kỹ thuật của bác sỹ, mà là do chưa triển khai được công tác chăm sóc người bệnh toàn diện vì thiếu điều dưỡng viên.
“Bộ Y tế thấy rằng đã đến lúc Y tế Việt Nam cần đổi mới một cách căn bản và toàn diện về công tác điều dưỡng chăm sóc người bệnh. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phát huy vai trò của Hội Điều dưỡng Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam trong việc phối hợp xây dựng các chính sách phát triển chuyên ngành điều dưỡng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Trong đó, tăng cường hệ thống đào tạo điều dưỡng theo chuẩn khu vực ASEAN; phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng cả về số lượng và chất lượng và tăng cường sự tham gia của điều dưỡng-hộ sinh vào quá trình hoạch định và xây dựng chính sách y tế”- Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định.
Tạo chuyển biến tích cực về y đức và kỹ năng giao tiếp, trách nhiệm nghề nghiệp
Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam Phạm Đức Mục cho biết, Hội Điều dưỡng Việt Nam được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nay là Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập và Đại hội lần thứ nhất được tổ chức ngày 26/10/1990 tại Hội trường Ba Đình.
Qua 30 năm, Hội Hội Điều dưỡng Việt Nam gắn bó với sự phát triển của chuyên ngành điều dưỡng, Hội đã trở thành một tổ chức đại diện cho tiếng nói của hội viên cả nước và đang vững bước trên con đường thực hiện sứ mệnh: Vì nghề nghiệp, Vì hội viên và Vì sức khỏe cộng đồng.
Từ vài trăm hội viên lúc khởi đầu, đến nay Hội Điều dưỡng Việt Nam đã có 60/63 hội cấp tỉnh, thành phố, với trên 800 chi hội và hơn 120 ngàn hội viên. Sự phát triển của hội đã tạo tư duy mới về tổ chức hội nghề nghiệp. Hội Điều dưỡng Việt Nam đã tạo dấu ấn bởi những nỗ lực tiên phong trong vận động chính sách nghề nghiệp, bảo vệ quyền lợi hội viên, thực hiện vai trò xúc tác cho quá trình đổi mới nghề điều dưỡng ở Việt Nam.
Đồng thời thực hiện hàng loạt các can thiệp đặt nền móng cho lĩnh vực nghiên cứu phát triển như biên soạn và xuất bản sách nghiên cứu điều dưỡng; đề xuất bổ sung môn học nghiên cứu điều dưỡng vào chương trình đào tạo điều dưỡng; đưa nghiên cứu điều dưỡng vào tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm.
Hội tổ chức nhiều khóa tập huấn nghiên cứu điều dưỡng cho hội viên; phát động phong trào nghiên cứu và tổ chức hội nghị khoa học điều dưỡng các cấp và tiến hành một số nghiên cứu cơ bản để có cơ sở dữ liệu vận động chính sách. Hội đã phát triển các hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế; 3 lĩnh vực hợp tác được Hội tập trung vào là xây dựng chính sách, xây dựng chuẩn nghề nghiệp và đào tạo tăng cường năng lực.
Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam Phạm Đức Mục cũng nhìn nhận, bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng còn nhiều tồn tại cần khắc phục để khẳng định vị thế của người điều dưỡng trong xã hội như phong cách phục vụ của một bộ phận hội viên chưa chuyên nghiệp; tính chủ động nghề nghiệp còn yếu; kỹ năng giao tiếp ứng xử cần được tăng cường. Các hoạt động của một số tỉnh hội, thành hội, chi hội chưa thực sự bền vững, lượng chăm sóc người bệnh còn hạn chế.
Trong thời gian tới, Hội điều dưỡng Việt Nam tiếp tục cam kết tham gia xây dựng chính sách nghề nghiệp, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đào tạo liên tục, phối hợp chặt chẽ với Bộ chủ quản, Tổng hội Y học Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam, các cơ sở y tế và tăng cường hợp tác quốc tế để duy trì và mở rộng các hoạt động của hội, tạo nên những chuyển biến tích cực về y đức, kỹ năng giáo tiếp, trách nhiệm nghề nghiệp, qua đó khẳng định vị thế người điều dưỡng trong xã hội.
Tại lễ kỷ niệm nhiều cá nhân, tập thể đã được Bộ Y tế tặng bằng khen, Hội điều dưỡng Việt Nam tặng kỷ niệm chương và bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Hội.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam chúc mừng Hội Điều dưỡng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh sau 30 năm thanh lập. Hội đã tạo ra tiếng nói mạnh mẽ trong ngành điều dưỡng, góp phần nâng cao vị thế của ngành trong hệ thống Y tế nói chung.
TS Kidong Park cho biết, năm 2020 đã được Hội đồng Y tế thế giới (WHA) chỉ định là năm của điều dưỡng và nữ hộ sinh.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới đã nhận định: Các điều dưỡng và nữ hộ sinh là "xương sống" của mọi hệ thống y tế. Tiến sĩ Kidong Park trân trọng gửi lời cảm ơn đến đôi ngũ điều dưỡng Việt Nam đã nỗ lực trong chăm sóc bệnh nhân và đặc biệt là chăm sóc các bệnh nhân COVID-19…