Thứ trưởng: 'Ngày nào cũng thịt heo luộc với kho tàu thì làm sao ăn hết được'
Từ tháng 6 trở lại đây giá heo hơi tăng trở lại trên cả nước, có thời điểm đạt 66.000 đồng/kg. Đây là mức giá tốt nhất từ đầu năm đến nay.
Sáng 27-7, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị về thực trạng phát triển chăn nuôi heo và giải pháp phát triển bền vững trong tình hình mới.
Ông Nguyễn Kim Đăng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết chăn nuôi heo được coi là ngành chủ lực, quan trọng, đã và đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn.
Nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Thống kê năm 2022 có 81 DN FDI đầu tư vào chăn nuôi với tổng số vốn 2,2 tỉ USD, chiếm 12% tổng số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2023, mặc dù giá thức ăn chăn nuôi đã giảm ba lần nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Điều này làm giá thành sản xuất chăn nuôi heo vẫn ở mức cao, trong khi giá xuất chuồng có thời điểm giảm khá sâu, khiến lợi nhuận của người chăn nuôi bị giảm, ảnh hưởng tới khả năng tái đàn và tốc độ tăng trưởng các đàn vật nuôi.
“Cụ thể, giá heo hơi xuất chuồng hai tháng đầu năm dao động trung bình 51.000-52.000 đồng/kg, tháng 3 giảm còn 49.000 đồng/kg, cuối tháng 4 và tháng 5 tăng lên 55.000 đồng/kg, tháng 6 đạt 59.000 đồng/kg.
Giá thành sản phẩm từ tháng 1 đến tháng 5 thấp hơn giá thành sản xuất đã tác động đến tốc độ tăng trưởng số lượng đàn heo cả nước, giảm đều từ 10,4% ở tháng 1 xuống còn 2,5% thời điểm tháng 6” - báo cáo của Cục Chăn nuôi nêu.
Từ tháng 6 trở lại đây giá heo hơi đang tăng trở lại trên cả nước, có thời điểm đạt 66.000 đồng/kg ở miền Bắc. Đây là mức giá tốt nhất từ đầu năm đến nay.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, xu hướng tất yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ phải giảm dần. Tuy nhiên, các DN cũng cần thay đổi cách nghĩ, cách làm, không thể nghĩ chỉ phục vụ thị trường trong nước mà phải đầu tư chế biến, chế biến sâu để gia tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường ngoài nước.
“Hôm nay tôi khẳng định tiềm năng lợi thế của ngành chăn nuôi còn rất lớn, nhưng xuất khẩu chưa được bao nhiêu. Năm 2022 mới xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi được 490 triệu USD, 6 tháng đầu năm nay được 232 triệu USD.
Do vậy phải hướng tới xuất khẩu. Ra biển khác biết bơi, căn cốt nhất là nâng cao sức cạnh tranh ngành chăn nuôi, nâng cao mức tiêu thụ, ngày nào cũng thịt heo luộc với kho tàu thì làm sao mà ăn hết được” - Thứ trưởng Tiến nói.
Về giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh thì cần phải tự chủ được nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước.
“Chẳng lẽ chúng ta lại cứ nhập khẩu ngô và đậu tương mãi? Tôi đề nghị Cục Chăn nuôi chủ trì, bàn với các doanh nghiệp lớn xem hướng giải quyết ra sao, chứ không thể cứ “ăn đong” nguyên liệu thức ăn như thế này, trong khi thức ăn chiếm 70% giá thành sản xuất” - ông Tiến yêu cầu.