Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Lưu ý đến từng khâu nhỏ nhất tổ chức thi tốt nghiệp THPT
Sáng 2/7, Đoàn kiểm tra số 5, Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh làm trưởng đoàn kiểm tra trực tuyến công tác chuẩn bị Kỳ thi với các tỉnh: Hòa Bình, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang.
Lường trước mọi tình huống
Tại Yên Bái, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, toàn tỉnh bố trí 28 điểm thi với 362 phòng thi chính thức (trong đó có 5 phòng thi ghép), 56 phòng thi dự phòng. Số cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức Kỳ thi được huy động dự kiến trên 1.700 người.
Báo cáo với đoàn kiểm tra, đại diện Ban Chỉ đạo thi tỉnh Yên Bái cho biết: Đến thời điểm hiện tại, Yên Bái đã hoàn thành phần lớn công tác chuẩn bị và hoàn thiện các loại hồ sơ theo đúng quy định của Quy chế thi.
Để chuẩn bị cho kỳ thi, Yên Bái cũng đã chủ động nhiều giải pháp, đáp ứng những yêu cầu của quy chế và những điểm mới của kỳ thi. Các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ kỳ thi được thực hiện nghiêm túc. Trong đó, tập trung rà soát, bổ sung các thiết bị, cơ sở vật chất để các Hội đồng thi làm việc; bảo đảm tất cả các khâu của mỗi kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Đồng thời, xây dựng kịch bản tổ chức thi trong điều kiện phòng, chống Covid-19 của Hội đồng thi và tại mỗi điểm thi. Xây dựng các phương án phối hợp với các ban, ngành tổ chức xã hội, phụ huynh học sinh tham gia chuẩn bị, tổ chức tốt kỳ thi. Đặc biệt, phối hợp các cấp, các ngành đảm bảo an ninh, an toàn; phòng chống dịch Covid-19; phòng, chống bão lũ, thiên tai và các tình huống bất thường khác.
Sở GD&ĐT đã cùng với Công đoàn ngành Giáo dục phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Hội khuyến học, Hội chữ thập đỏ các cấp rà soát các trường hợp thí sinh có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn để xây dựng phương án hỗ trợ kịp thời, đảm bảo không có thí sinh bỏ thi do hoàn cảnh khó khăn.
Với Hòa Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Thị Kim Tuyến cho biết, ngày 7/6, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức họp Ban Chỉ đạo phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo. Các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan đã xây dựng Kế hoạch phối hợp nội dung liên quan tới công tác chuẩn bị trước, trong và sau các kỳ thi như: Trách nhiệm của mỗi ngành, của địa phương trong công tác phối hợp tổ chức kỳ thi trên địa bàn; phương án phòng chống thiên tai, dịch bệnh, phương án nhân sự phục vụ công tác tổ chức kỳ thi, việc bố trí kinh phí tổ chức thi, mua sắm trang thiết bị phục vụ thi; công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, thông tin liên lạc, an toàn vệ sinh thực phẩm, hệ thống điện lưới,...
“Đến nay, Sở GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, ấn phẩm… cho các ban của Hội đồng thi. Tính đến thời điểm ngày 2/7, toàn bộ 37/37 điểm thi đều đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng tốt các yêu cầu về công tác tổ chức thi” - bà Bùi Thị Kim Tuyến khẳng định.
Với Bắc Kạn và Tuyên Quang, báo cáo của đại diện Ban chỉ đạo thi của 2 tỉnh cũng cho biết công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã sẵn sàng. Bảo đảm các phương án phối hợp với các đơn vị có liên quan bảo đảm an ninh, an toàn, xử lý tình huống bất thường và tổ chức Kỳ thi (dịch bệnh, thiên tai lũ lụt…). Đặc biệt chú trọng thực hiện bảo đảm đúng quy chế công tác in sao đề thi, vận chuyển đề thi, bài thi và bảo quản đề thi, bài thi... Công tác chuẩn bị của địa phương đều quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi, không để thí sinh nào phải bỏ thi vì điều kiện kinh tế hay khó khăn về giao thông...
Những lưu ý quan trọng của đoàn kiểm tra
Trong buổi làm việc, các thành viên trong đoàn kiểm tra đã đưa ra một số lưu ý trong từng khâu, từng việc, bảo đảm công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi tại địa phương an toàn, nghiêm túc, chất lượng.
Đại diện Cục A03, Bộ Công an tham gia đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Chí Thành đặc biệt lưu ý các địa phương trong thực hiện văn bản số 2369/ANCTNB& QLCL về hướng dẫn công tác bảo đảm an ninh an toàn trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; chuẩn bị và tổ chức in sao đề thi theo đúng quy định của quy chế, bảo đảm quy định 3 vòng độc lập; quan tâm hơn nữa đến kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện việc này.
Tại các điểm thi, ông Nguyễn Chí Thành nhấn mạnh, cần quan tâm, tăng cường hơn ở những khu vực xung quanh nhà dân, đặc biệt các khoảng trống, tránh việc có sự đột nhập của đối tượng bên ngoài vào trường thi. Trong quá trình coi thi, cán bộ và giáo viên phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, nhất là trong phòng chống sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận. Khi ngắt đường truyền wifi, phải niêm phong cả ổ điện, giắc cắm. Tăng cường công tác phòng cháy, đặc biệt ở phòng chứa đề thi, bài thi…
Bà Nguyễn Phương Mai, đại diện Bộ Y tế, thành viên đoàn kiểm tra, thì nhấn mạnh công tác y tế phục vụ Kỳ thi với 3 điểm chính: Thường trực cấp cứu, bảo đảm phòng dịch và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó có việc tổ chức thi cho thí sinh thuộc các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; bố trí phòng thi dự phòng, đội ngũ nhân lực dự phòng trong trường hợp có thí sinh F0 hoặc ca bệnh nghi ngờ.
Đại diện Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Thế Cường chia sẻ một số lưu ý liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn, nhất là trong in sao đề thi, bảo quản đề và bài thi. Trong đó có việc, camera giám sát phải bảo đảm bao quát được phòng chứa đề/bài thi, đặc biệt là vị trí tủ đựng đề/ bài thi. Có phương án vận chuyển đề/bài thi bảo đảm an toàn, nhất là trong điều kiện mùa mưa lũ…
Ông Lê Việt Anh, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp (Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo) bổ sung ý kiến liên quan đến công tác kiểm tra thi tại địa phương; việc ban hành kết luận kiểm tra và đôn đốc thực hiện các nội dung mà đoàn kiểm tra chỉ rõ trong kết luận. Với công tác coi thi, hết sức lưu ý đến việc xử lý tình huống bất thường đúng quy định, bảo đảm quyền lợi của thí sinh.
Ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị chủ động, chu đáo, khá toàn diện của các địa phương, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi cần chu đáo, kỹ lưỡng từ khâu, mắt xích nhỏ nhất. Thứ trưởng đồng thời đưa ra một số vấn đề, tình huống địa phương đã quan tâm, nhưng cần cập nhật và quan tâm sâu hơn; đã chỉ đạo, kiểm tra thì tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra kỹ lưỡng hơn, mạnh mẽ hơn… để từng công việc, nhiệm vụ được chuẩn bị và thực thi tốt nhất.
Trong đó có công đoạn bảo mật đề thi, bài thi; khu vực in sao đề thi phải là địa điểm an toàn, kín đáo, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt thời gian làm việc, có đầy đủ phương tiện bảo mật, phòng cháy, chữa cháy theo quy định. Tính toán để chuẩn bị, lường trước các tình huống bất thường về thiên tai, dịch bệnh… có thể xảy ra, làm sao bảo đảm tốt nhất quyền lợi của thí sinh. Cần đặc biệt coi trọng công tác tập huấn, truyền thông, để từ đó từng cán bộ làm thi và thí sinh nắm chắc quy định, hạn chế thấp nhất vi phạm, sai sót không đáng có; đồng thời truyền thông để xã hội hiểu, đồng thuận, cùng vào cuộc để chung tay tổ chức tốt nhất Kỳ thi…
Hai cụm từ được Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh là “an toàn” và “trách nhiệm”. Trong đó có an toàn giao thông; an toàn phòng chống cháy nổ; an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự; an toàn phòng chống dịch bệnh… Cùng với đó, rà soát phân công nhiệm vụ từ Ban Chỉ đạo đến từng điểm thi làm sao thật cụ thể, chi tiết; rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng vị trí… Mục tiêu hướng tới Kỳ thi thực sự an toàn, nghiêm túc, chất lượng.