Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khảo sát thực hiện chương trình GDPT 2018 tại TPHCM
Ngày 18/3, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đã đến làm việc tại huyện Bình Chánh (TPHCM) về triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Đi cùng đoàn có ông Nguyễn Xuân Thành-Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, ông Thái Văn Tài- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) và các chuyên viên của hai vụ.
Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã thăm và dự giờ ở Trường Tiểu học Phong Phú 2, Trường THCS Phong Phú. Sau đó, đoàn làm việc với lãnh đạo, đại diện các ban ngành và toàn bộ hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Sau khi lắng nghe những ý kiến trao đổi của hiệu trưởng một số trường tiểu học về việc thực hiện chương trình mới trong học kỳ 1, cũng như sự chuẩn bị của các trường THCS cho việc thực hiện chương trình mới ở năm học tới đây, đoàn công tác đã có những trao đổi, lưu ý cho huyện Bình Chánh trong việc triển khai thực hiện chương trình mới.
Cần sự chung tay của toàn bộ hệ thống chính trị
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao sự chuẩn bị kĩ càng, nghiêm túc, khoa học của Bình Chánh. Qua những ý kiến trao đổi của các nhà giáo cho thấy được sự chủ động và tâm thế sẵn sàng của đội ngũ trong việc thực hiện chương trình mới và bước đầu đã có những kết quả.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, địa phương vẫn gặp những khó khăn nhất định như sĩ số vẫn còn cao, tỷ lệ học 2 buổi/ngày còn thấp cục bộ ở một số nơi, thiếu giáo viên... Đây là khó khăn chung của nhiều thành phố lớn. Để tháo gỡ cần có lộ trình cụ thể, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, từ lãnh đạo tới các phòng, ban và các cơ sở.
Các trường phải căn cứ vào tình hình thực tế để có kế hoạch, đề án triển khai chương trình GDPT 2018 theo lộ trình. Mặc dù còn có những khó khăn về trường lớp, nhưng cần sự ưu tiên đặc biệt cho học sinh lớp 1, đảm bảo 2 buổi/ngày. Khi dành những điều tốt nhất cho học sinh lớp 1, lên các lớp trên giáo viên sẽ được “hưởng lợi”.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhận định về thách thức khi triển khai Chương trình GDPT 2018, theo đó SGK mới còn rất nhiều nên cán bộ quản lý, giáo viên vẫn phải luôn chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng đổi mới, coi đổi mới là nhu cầu tự thân. Thầy cô cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết 29 của TW, Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, đổi mới SGK và những thông tư của Bộ về ban hành chương trình GDPT.
"Khi thực hiện Chương trình mới, từng địa phương, đơn vị phải quán triệt, chú trọng xây dựng kế hoạch nhà trường, giao quyền tự chủ cho từng trường, từng giáo viên" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Một trong những thay đổi căn bản của chương trình GDPT 2018 so với chương trình hiện hành là cơ sở GDPT xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường riêng, thay vì giống nhau cả nước như phân phối chương trình hiện hành.
Công văn 4612 và công văn 5512 Bộ GD-ĐT ban hành năm 2020 đã hướng dẫn cụ thể việc xây dựng kế hoạch giáo dục này. Các nhà trường cần nghiên cứu kỹ lưỡng, linh hoạt và chủ động để thực hiện hiệu quả. Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa đến đội ngũ giáo viên, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đảm bảo số lượng, cơ cấu, chất lượng.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng lưu ý các đơn vị, địa phương về công tác chọn SGK. Cụ thể, SGK sử dụng trong các trường học phải được công bố 5 tháng trước ngày khai giảng và thầy cô giáo phải đọc thật, phải nghiên cứu thật SGK để có những lựa chọn phù hợp.
Linh hoạt, chủ động hơn nữa
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành đánh giá cao sự chuẩn bị của Trường THCS Phong Phú và huyện Bình Chánh nói chung về thực hiện chương trình GDPT 2018 ở lớp 6 trong năm học tới. Đồng thời, đánh giá cao lộ trình bồi dưỡng 4 năm giáo viên bậc THCS đảm nhiệm giảng dạy các bộ môn tích hợp của TP.
Trước thắc mắc của trường về kinh phí chi trả cho đội ngũ giáo viên cốt cán, cán bộ cốt cán hỗ trợ đồng nghiệp, theo lãnh đạo Vụ GD Trung học, thông tư 28 Điều 11 đã hướng dẫn rất cụ thể và các nhà trường thực hiện phù hợp.
Liên quan đến vấn đề về giáo viên phụ trách hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương, lãnh đạo Vụ GD Trung học cho biết, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn trong thời gian tới đây.
TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) trao đổi, qua dự giờ cũng như lắng nghe chia sẻ của hiệu trưởng, giáo viên khối 1 của nhà trường đã thấy được sự trách nhiệm, tâm huyết của các giáo viên với học sinh. Lãnh đạo Vụ GD Tiểu học cũng lưu ý với ngành GD-ĐT Bình Chánh, có thể rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để phù hợp hơn nữa với độ tuổi của học sinh lớp 1.
Ngoài ra, cần mạnh dạn hơn nữa trong việc phát huy tối đa hiệu quả của việc ứng dụng CNTT, các thiết bị dạy học hiện đại trong giảng dạy, để “giải phóng” sức lao động của giáo viên theo đúng tinh thần của Điều lệ trường tiểu học và Thông tư 27 về quy định đánh giá học sinh tiểu học của Bộ GD-ĐT ban hành.
TS Thái Văn Tài cũng trao đổi, huyện Bình Chánh quan tâm đến việc dạy học tiếng Anh, bởi TPHCM là địa phương có nhiều hình thức dạy học ngoại ngữ, làm sao đội ngũ giáo viên, bố trí tiết phù hợp để có những điều chỉnh phù hợp khi học sinh học tập ở chương trình mới.
Nếu chưa tuyển dụng được giáo viên tiếng Anh đáp ứng, có thể nghĩ đến việc tận dụng dạy học trên internet ở bộ môn này.
Đặc biệt, theo TS Thái Văn Tài, liên quan đến vấn đề đối với việc điều chỉnh lựa chọn SGK so với SGK của năm học trước đã chọn cần phải bảo đảm đúng quy định của ngành. Theo thông tư 25 của Bộ GD-ĐT, việc lựa chọn SGK để sử dụng trên tinh thần ổn định trong các cơ sở GD. Tuy nhiên, thông tư cũng cho phép cơ sở đề xuất điểu chỉnh chọn SGK nếu cần thiết.
Các nhà trường phải thực hiện theo quy trình, có ý kiến của giáo viên, các tổ chuyên môn và giải trình được vì sao đề xuất điều chỉnh chọn SGK và chịu trách nhiệm với đề xuất ấy trước ngành, trước phụ huynh. Đồng thời, cơ sở ấy phải tự tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên khi sử dụng sách mới.