Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc dự Hội nghị triển khai công tác Tư pháp 2021 Hà Nội
Ngày 7/1, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2021. Dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn.
Cùng dự Hội nghị về phía Bộ Tư pháp có Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Quốc Hoàn, Giám đốc Trung tâm Lý lịch Tư pháp Quốc gia Hoàng Quốc Hùng, Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phan Thị Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng Phạm Ngọc Phú, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch Quốc tịch Trần Thị Lệ Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục bồi thường Nhà nước Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và TDTHPL Nguyễn Thị Minh Phương.
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn cho biết, năm 2020, công tác Tư pháp của Thành phố đã được triển khai thống nhất, đồng bộ trên các lĩnh vực, cơ bản hoàn thành những nhiệm vụ đã đề ra, góp phần cùng các ngành, các cấp thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT-XH của Thủ đô.
Công tác Tư pháp của Thành phố năm 2020 được xây dựng bám sát Chương trình công tác năm của Bộ Tư pháp và Thành phố; được các cấp, ngành Thành phố triển khai chủ động, kịp thời, cơ bản toàn diện, đúng trọng tâm các nhiệm vụ được giao, gắn kết chặt chẽ với các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chính trị của Thành phố. Đạt được những kết quả nổi bật như: Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai hiệu quả, đạt kết quả tích cực, việc liên thông TTHC, ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC được chú trọng, giúp giảm thời gian, chi phí thực hiện. Việc tham mưu của ngành Tư pháp đối với những vướng mắc, vấn đề phát sinh trong quản lý điều hành của Thành phố có chất lượng, hiệu quả tốt, ngày càng giữ vai trò quan trọng; Việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương được thực hiện nghiêm, kịp thời theo chỉ đạo. Kết quả công tác Tư pháp năm 2020 đã góp phần tích cực cùng các cấp, các ngành Thành phố thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 của Thủ đô.
Trên cơ sở định hướng của Bộ Tư pháp, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP, Công tác Tư pháp năm 2021 trên địa bàn Thành phố, tập trung tổ chức quán triệt, tập huấn, hướng dẫn triển khai thực hiện tốt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL và các Nghị định hướng dẫn; Rà soát, sửa đổi, bổ sung các VBQPPL của HĐND, UBND Thành phố quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô và phục vụ việc triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị của Thành phố; Phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai Kế hoạch đánh giá tình hình thi hành Luật Thủ đô; Nghiên cứu, đề xuất chính sách, lập hồ sơ đề nghị và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) triển khai trong giai đoạn 2021-2024.
Thành phố sẽ tập trung triển khai các Kế hoạch, Đề án, Chương trình về phổ biến giáo dục pháp luật; Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, đồng bộ, hướng mạnh về cơ sở; Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên các báo, đài, mạng xã hội; Chú trọng công tác PBGDPL trong nhà trường; Đẩy mạnh các biện pháp thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
Đẩy mạnh thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên giai đoạn 2018 - 2022”; Tiếp tục triển khai Kế hoạch phối hợp giữa UBND Thành phố và Bộ Giáo dục và đào tạo về phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tiếp tục tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả Kế hoạch của Thành phố thực hiện “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018–2022”. Tổ chức theo dõi thi hành pháp luật các lĩnh vực trọng tâm theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp. Tăng cường công tác tập huấn về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.Tổ chức quán triệt, hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 32/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Trong công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp: Xây dựng và triển khai Kế hoạch số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trên địa bàn Thành phố; Tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Haysố 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế; Tổng kết việc thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-TP-CA-YT của liên Bộ Tư pháp, Công An, Y tế về liên thông TTHC Đăng ký khai sinh – cấp thẻ BHYT – Đăng ký thường trú.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản mới được ban hành trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; Ban hành quyết định về tiêu chí thành lập văn phòng công chứng trên địa bàn Thành phố (thay thế Quyết định số 44/2016/QĐ-UBND); Ban hành quy chế quản lý, sử dụng hệ thống thông tin công chứng. Xây dựng Kế hoạch tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 172/NQ-CP của Chính phủ. Chỉ đạo việc tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quản lý nhà nước hoạt động của các Tổ chức hành nghề luật sư; chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ X Đoàn Luật sư Thành phố.
Thành phố cũng chỉ đạo việc hoàn thiện các quy trình, quy chế về tổ chức cán bộ; kiện toàn, hoàn thiện về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp, xây dựng cơ cấu vị trí việc làm phù hợp, phát huy tối đa mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo các quy định mới của Chính phủ, Bộ Tư pháp. Chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, Tư pháp xã, phường, thị trấn, đặc biệt những nơi còn đang thiếu so với biên chế được giao.
Chuẩn hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức Tư pháp về chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong bối cảnh tinh giản biên chế, xây dựng chính quyền điện tử của Thành phố. Chuẩn bị đủ các điều kiện để thực hiện thí điểm ủy quyền cho công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp phường ký chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký thuộc thẩm quyền của UBND cấp phường.
Ngoài ra, Thành phố cũng đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra và Cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Hội nghị cũng được nghe một số tham luận của các Sở, ban, ngành của Thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở, các Phòng Tư pháp quận huyện; tiến hành công tác khen thưởng và phát động phong trào thi đua 2021.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác Tư pháp của Hà Nội. “Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ đánh giá cao công tác TP. Hà Nội, năm 2020 Sở Tư pháp Hà Nội được Bộ Tư pháp xếp hạng A và được Cờ Thi đua của ngành Tư pháp”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ghi nhận và chia sẻ khó khăn vướng mắc mà Hà Nội gặp phải, Thứ trưởng cũng yêu cầu Hà Nội cần xác định “trúng” những tồn tại hạn chế, nguyên nhân trong đó đặc biệt nguyên nhân chủ quan để có hướng khắc phục trong những năm tiếp theo.
Năm 2021 Bộ ngành Tư pháp tiếp tục được giao thêm nhiệm vụ nặng nề, là năm đầu tiên Thành phố triển khai kế hoạch phát triển Kinh tế xã hội 5 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP, để thực hiện tốt nhiệm vụ, Thứ trưởng lưu ý, Tư pháp Hà Nội cần bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội TP., tăng cường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; đặc biệt là những vấn đề về pháp lý.
Việc xây dựng thể chế, tổ chức thi hành pháp luật tiếp tục cần được coi là nhiệm vụ trọng tâm, làm sao phát huy vai trò để Hà Nội trở thành điểm sáng trong công tác Tư pháp. Tư pháp cần tham mưu xây dựng những biện pháp pháp lý đặc thù để Hà Nội giải quyết những vấn đề khó khăn.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu Hà Nội nâng cao hiệu quả công tác quản lý các nghề tư pháp, đây là những lĩnh vực phức tạp, dễ phát sinh vi phạm pháp luật. Cần tăng cường công tác thanh kiểm tra để hạn chế tối đa các sai phạm.
Cùng đó, Tư pháp Hà Nội cần dành sự ưu tiên về nguồn lực trong tổ chức thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật mới, như Luật sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định Tư pháp, Luật ban hành VBQPPL…
Đối với Luật Thủ đô, sau thời gian thi hành, Tư pháp Hà Nội phối hợp với Bộ Tư pháp tổng kết đánh giá để nhìn nhận một cách đúng đắn, toàn diện việc thi hành Luật để qua đó nhận diện khó khăn, đề xuất căn chỉnh phù hợp.
Riêng công tác tổ chức bộ máy, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết việc thực hiện các chủ trương kiện toàn bộ máy đang đặt ra nhiều vấn đề cho Tư pháp nói chung và Tư pháp Hà Nội nói riêng, do đó Sở Tư pháp cần tham mưu TP tổ chức thực hiện tốt, trong bối cảnh Tư pháp ngày càng nhiều việc mà biên chế không tăng.
Nhân dịp này, Thứ trưởng cũng đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND, các cấp ngành, và cá nhân đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho tư pháp thực hiện hiệu quả chất lượng công tác Tư pháp, coi việc của Tư pháp là việc của cấp ủy, chính quyền các cấp. Về phía Bộ Tư pháp cũng tăng cường lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho Tư pháp Hà Nội để góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp văn minh.
Còn Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng thông tin chung về tình hình thành phố trong năm 2020, năm khó khăn đặc biệt nhưng thành phố đã đạt những kết quả rất tích cực trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố. “Trong thành công chung có đóng góp tích cực của Tư pháp Hà Nội”.
Chỉ rõ những khó khăn, hạn chế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. nhấn mạnh năm 2021 TP xác định là năm “kỷ cương trách nhiệm hành động và sáng tạo”, do đó, ngành Tư pháp phải làm gương. Trong đó, Tư pháp cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trên các lĩnh vực công tác, trong đó, có công tác tổ chức bộ máy, xây dựng thể chế, bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, phổ biến pháp luật….