Thứ trưởng Nguyễn Nhật: 'Kết cấu hạ tầng phải đi trước một bước'
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, việc mở rộng cảng Quy Nhơn và hạ tầng kết nối cảng biển là cấp thiết để phát triển KT-XH địa phương...
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, cần cấp thiết mở rộng cảng biển Quy Nhơn, phục vụ cho sự phát triển địa phương và khu vực.
Sáng 9/3, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Nhật dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định về vấn đề Quy hoạch phát triển cảng biển, cảng cạn trên địa bàn.
Cấp thiết mở rộng cảng Quy Nhơn
Bình Định là một trong những trung tâm vận chuyển hàng hóa của miền Trung nhưng đảm nhận hàng hóa cho cả Tây Nguyên, Lào và Campuchia. Do đó, Việt Nam rất chú trọng đến việc đầu tư vào cảng Quy Nhơn để hàng hóa của Lào và Campuchia về Tây Nguyên xuống cảng Quy Nhơn được duy trì thuận lợi hơn.
Theo quy hoạch quốc gia, cảng biển Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối của khu vực, bao gồm các khu bến chức năng: Quy Nhơn - Thị Nại, Nhơn Hội và các bến Tam Quan, Đề Gi. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2020 đạt khoảng 12,3 triệu TTQ.
Trong đó, khu bến Quy Nhơn - Thị Nại là khu bến tổng hợp, container cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn. Có bến chuyên dụng cho tàu có trọng tải từ 5.000 đến 10.000 tấn. Đây là khu bến chính của cảng.
Trong quy hoạch của tỉnh Bình Định, quyết định về việc xây dựng đồ án quy hoạch chi tiết mở rộng cảng Quy Nhơn đến năm 2030, trong đó khu bến cảng tổng hợp container có tổng diện tích 4,72ha. Tổng chiều dài tuyến mép 1.870km, chiều rộng bến 30-35m. Quy mô đáp ứng cho tàu tổng hợp container đến 50.000DWT.
Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC): Cảng Quy Nhơn có tốc độ tăng trưởng hàng hóa cao và sẽ tiếp tục tăng trưởng hàng hóa thông qua cảng trong thời gian tới.
"Tuy nhiên, có một thực trạng chúng tôi rất sốt ruột đó là vấn đề tàu hàng vào nhưng phải chực chờ phía ngoài mà không thể vào cảng. Thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như giải phóng tàu nhanh, tăng năng suất, đầu tư công nghệ, hạ tầng để sắp xếp lại bến bãi, khu neo đậu bốc dỡ hàng hóa. Nhưng vấn đề bây giờ là cảng Quy Nhơn cần sớm được mở rộng để các tàu lớn vào. Mong muốn của chúng tôi là đề nghị tỉnh sớm hỗ trợ diện tích để mở rộng cảng", ông Tĩnh trăn trở.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) trăn trở về việc mở rộng cảng Quy Nhơn.
Cần nâng cấp hệ thống giao thông kết nối
Theo UBND tỉnh Bình Định, để đảm bảo cho sự phát triển hệ thống cảng biển, cảng cạn theo quy hoạch được duyệt, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Định nói riêng, khu vực miền Trung Tây Nguyên và cả nước nói chung thì cần thiết phải có các giải pháp phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng cảng biển, cảng cạn, kết hợp tích hợp các trung tâm logistics.
Do đó, UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT nâng cấp cảng biển Quy Nhơn theo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung Bộ (nhóm 4) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Bộ GTVT phê duyệt. Trong đó, Bộ GTVT quan tâm sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến luồng hàng hải Quy Nhơn nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác đối với các tàu 50.000 tấn và cao hơn. Bộ GTVT quan tâm, trình Chính phủ cập nhật, điều chỉnh, bổ sung 85,95 ha dọc tuyến QL19 mới vào quy hoạch tổng thể cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, định hướng 2050.
Ngoài ra, kiến nghị Bộ GTVT quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh. Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Nâng cấp mở rộng QL19B, 19C quy mô 2 làn xe theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Nâng cấp mở rộng CHK Phù Cát.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật chia sẻ: "Cách đây 10 năm, tôi vào Bình Định, ngân sách thu của Bình Định gấp đôi, gấp ba Hà Tĩnh. Năm 2020, GDP của Hà Tĩnh xấp xỉ bằng Bình Định nhưng tôi nghĩ năm nay sẽ vượt. Vì năm ngoái Fomosa chỉ chạy 30% công suất, còn năm nay chạy 100% công suất. Đây không phải là so sánh, nhưng nếu không cẩn thận mình sẽ phải chạy đua với họ trong khi mình có rất nhiều điều kiện phát triển.
Để phát triển KT-XH địa phương thì có nhiều ngành. Nhưng muốn làm công nghiệp, dịch vụ phải có cảng biển. Có cảng biển sẽ có hàng vào hàng ra, chi phí thấp, mới làm nhà máy, chế biến, làm logistics chứ không thể dựa vào làm giàu bằng nông nghiệp, bằng du lịch được vì Bình Định chưa phải trung tâm du lịch của cả nước. Do đó, cần chú trọng phát triển cảng biển".
Do đó, cần nghiên cứu mở rộng cảng Quy Nhơn. Tỉnh Bình Định cần nghiên cứu và tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng cảng. Các bên cần có những buổi làm việc với nhau để thống nhất đi đến phương án chung. Đồng thời, cần phát triển hệ thống hạ tầng.
"Làm gì thì làm, muốn phát triển kinh tế thì kết cấu hạ tầng phải đi trước một bước. Nếu không thì sẽ không phát triển gì được", Thứ trưởng Nhật khẳng định.
Thứ trưởng Nhật mong muốn tỉnh Bình Định nghiên cứu lại vị trí cảng biển hiện nay cho phù hợp.
Nghiên cứu vị trí bố trí cảng biển
Theo Thứ trưởng Nhật, hiện tại, hệ thống cảng Quy Nhơn chưa thể tiếp nhận những tàu công suất lớn do hệ thống độ sâu luồng cảng cũng như hạ tầng chưa đồng bộ nên việc nghiên cứu mở rộng cảng là cần thiết.
Một vấn đề cần nghiên cứu là cảng Quy Nhơn hiện tại nằm rất gần thành phố, nhiều vấn đề về ô nhiễm, ùn tắc cần được quan tâm. Nếu tăng công suất cảng Quy Nhơn lên quá lớn sẽ xảy ra vấn đề ách tắc trong thành phố như: cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh. Do đó, Quy Nhơn sau năm 2030, nếu tỉnh Bình Định không quy hoạch một vị trí cảng nào đó cho tàu công suất lớn hơn sẽ xảy ra nhiều vấn đề.
"Tại sao chúng tôi phải đẩy cảng Hải Phòng ra phía biển 14km. Dẹp hết tất cả phần cảng Hải Phòng phía trong để làm du lịch. Tại sao phải bỏ toàn bộ cảng Sài Gòn trên sông Sài Gòn ở quận 1 để ra làm ở Cái Mép Thị Vải. Bởi vì không thể đẩy hàng vào trung tâm thành phố. Như thế sẽ tạo ra ô nhiễm môi trường, cảnh quan. Do đó, phải nhìn nhận vị trí nào đó để phát triển cảng biển Quy Nhơn cho tỉnh Bình Định".