Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Không nhân nhượng với các vi phạm khai thác IUU
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo IUU Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan bàn giải pháp kiểm soát hoạt động tàu cá xuất, nhập bến, ra vào cảng và thực thi pháp luật xử lý vi phạm khai thác IUU ngày 25/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, không nhân nhượng với các vi phạm khai thác IUU.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, quản lý đội tàu chặt chẽ để giảm vi phạm, giảm mất kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS)… là nhiệm vụ quan trọng. Các lực lượng chức năng phải xác định rõ vị trí tàu, quản lý chặt tàu cá xuất, nhập bến, ra vào cảng. Tàu phải đủ điều kiện mới cho ra khơi; tàu cập bến mà phát hiện vi phạm VMS phải xử phạt vi phạm hành chính. Đây là yếu tố quan trọng để quản lý đội tàu.
Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Lê Văn Phúc cũng cho rằng, với một số tồn tại cần triển khai quyết liệt hơn với sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và các lực lượng chuyên trách quản lý như Bộ đội Biên phòng, Cục Kiểm ngư, Cục Thủy sản, lực lượng cảnh sát biển, lực lượng hải quân.
Bộ đội Biên phòng tăng cường lực lượng, biện pháp kiểm tra, kiểm soát quản lý trên các vùng biển, kết nối với các lực lượng để kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển. Đảm bảo tất cả các hoạt động của tàu khi vi phạm trên các vùng biển được phát hiện và cảnh báo sớm. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, nhất là vấn đề mất kết nối thiết bị giám sát. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng khác để truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Thực hiện Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Bộ đội Biên phòng cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân về những hành vi vi phạm sẽ bị xử lý thích đáng.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, thực hiện nhiệm vụ gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), một số nhiệm vụ chuyển biến còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC. Trong số đó có việc kiểm soát, quản lý hoạt động tàu cá ra vào cảng, xuất nhập bến và thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác IUU chưa thật sự hiệu quả, chưa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Sự phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật trong tỉnh và giữa các tỉnh chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả.
Về tực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác IUU, các lực lượng chức năng đã đưa ra khởi tố 4 vụ việc liên quan đến môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Việc xác minh, xử lý các hành vi khai thác IUU có sự chuyển biến hơn trước, nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng đã được xử phạt theo quy định; trong đó, lực lượng biên phòng là nòng cốt trong việc điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc vi phạm khai thác IUU.
Theo Bộ đội Biên phòng, thời gian qua, lực lượng bộ đội biên phòng tại các trạm kiểm soát đã kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến, đảm bảo 100% tàu cá ra khơi có dầy đủ giấy tờ, trang thiết bị an toàn kỹ thuật theo quy định. Tất cả tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên đều được lập danh sách quản lý, theo dõi; đặc biệt là nhóm tàu cá “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài.
Thực tế, tình hình hoạt động của tàu cá ngư dân khi xuất, nhập bến qua các trạm kiểm soát biên phòng đảm bảo đầy đủ thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị an toàn kỹ thuật, thiết bị VMS hoạt động bình thường. Tuy nhiên, khi hoạt động trên biển bị các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát, phát hiện lại xảy ra tình trạng thiếu giấy tờ, trang bị theo quy định.
Các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, xử lý và tham mưu địa phương xử lý vi phạm hành chính 617 vụ với 712 đối tượng, cùng số tiền xử phạt là trên 16 tỷ đồng; đồng thời tước bằng thuyền trưởng 8 trường hợp.
Để kiểm soát hoạt động tàu cá xuất nhập bến, ra vào cảng và thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác IUU, các lực lượng chức năng sẽ xử phạt nghiêm các tàu cá không đủ điều kiện cố tình tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.
Theo đó, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; trong đó xác định các đối tượng tập trung xử lý là các đầu nậu, chủ cơ sở, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu thủy sản, các chủ tàu, thuyền trưởng, các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối…