Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: TP.HCM là đô thị đặc biệt nhưng chưa phát huy hết tiềm năng

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, TP.HCM là đô thị loại đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, tuy nhiên trong quá trình phát triển, TP.HCM chưa phát huy hết tiềm năng.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn

Ngày 7/10, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

TP.HCM là đô thị loại đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, tuy nhiên trong quá trình phát triển, TP. HCM chưa phát huy hết tiềm năng. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, có nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị loại đặc biệt. Nhấn mạnh sự cần thiết, tờ trình của Chính phủ cũng đề nghị tên gọi của Nghị quyết không có hai từ “thí điểm”.

Dự thảo Nghị quyết quy định, chính quyền địa phương ở TP. HCM gồm HĐND và UBND thành phố; chính quyền địa phương ở quận, phường là UBND quận, phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tâp trung dân chủ. Các nhiệm vụ của HĐND quận, phường được điều chuyển cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Riêng đối với nhiệm vụ về quyết định chủ trương đầu tư, chương trình dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công thuộc quận, phường quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công. Dự thảo Nghị quyết quy định giao cho Chủ tịch UBND quận (không chuyển giao nhiệm vụ này cho UBND thành phố) để bảo đảm quy định về thời gian và tiến độ thực hiện các dự án.

Chính phủ đề xuất Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021 để có thời gian chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Do vậy, Chính phủ đề xuất áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn và bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong năm 2020 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 tới.

Ban hành Nghị quyết để tạo điều kiện tốt nhất cho đầu tầu kinh tế của cả nước bứt phá

Ban hành Nghị quyết để tạo điều kiện tốt nhất cho đầu tầu kinh tế của cả nước bứt phá

Thường trực Ủy ban Pháp luật băn khoăn vì trong cùng thời điểm lại có 3 Nghị quyết quy định về tổ chức chính quyền đô thị ở 3 thành phố khác nhau, nhưng trong đó có hai địa phương thực hiện thí điểm còn một địa phương lại không.

Thường trực Ủy ban này cho rằng, nếu không thí điểm thì phải trình Quốc hội ban hành một đạo luật về chính quyền đô thị tại TP. HCM song song tồn tại với Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Có như vậy, mới bảo đảm về giá trị pháp lý, hiệu lực và tính ổn định, lâu dài của quy định, cũng như tránh gây sự không thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Chính vì vậy, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tên gọi là Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. HCM. Đồng tình việc bổ sung vào chương trình như đề xuất của Chính phủ, nhưng đại biểu đề nghị dự thảo Nghị quyết cần được báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Qua đó góp phần hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương, phát huy tối đa lợi thế, tạo điều kiện tốt nhất cho đầu tầu kinh tế của cả nước bứt phá lên.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/thu-truong-tran-anh-tuan-tphcm-la-do-thi-dac-biet-nhung-chua-phat-huy-het-tiem-nang-1732020.tpo