Thu từ cổ phần hóa thấp, nhưng đáng lo là trách nhiệm người đứng đầu
Thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2022, chỉ đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, giảm 37,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán, đang khiến nhiều đại biểu lo ngại.
Đại biểu lo vì người đứng đầu chưa quyết tâm
Tình trạng thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không đạt chỉ tiêu nhiều năm, ước thực hiện năm nay lại thấp hơn các năm trước khi có dịch bệnh, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự lo ngại. Nhiều ý kiến phát biểu tại Hội trường trong 2 ngày qua.
Theo báo cáo của Chính phủ, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp 3 năm không đạt dự toán, số thu thực tế rất thấp so với dự toán. Năm 2022, chỉ đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, giảm 37,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán.
“Trong dự toán năm 2023, mức thu cao hơn chút ít. Thiết nghĩ, thu cao thấp không phải là yếu tố cần, mà chủ yếu là có tập trung quyết liệt hay không. Việc cổ phần hóa nhiều năm nay còn bất cập, việc giải thể, hợp nhất, sáp nhập còn quá khó khăn. Đề nghị Chính phủ, người đứng đầu doanh nghiệp được phê duyệt cổ phần hóa quan tâm nhiều hơn để đạt mục tiêu đề ra”, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đặt vấn đề.
Đây cũng là vấn đề đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Quốc hội TP. HCM đã đề cập trong phát biểu trên Hội trường sáng 27/10.
Ông nói, cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu và đề nghị đẩy mạnh tái cơ cấu mạnh mẽ các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, xử lý nhanh các doanh nghiệp kém hiệu quả, phát huy hơn nữa vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước hướng đến các công trình dự án lớn mang tầm quốc gia, nhất là đầu tư cho các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp vật liệu, công nghiệp luyện kim, cơ khí...
Khi thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước quá chậm, không đạt kế hoạch, làm rõ trách nhiệm trong việc thực hiện đề án của Chính phủ. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, làm rõ thêm định hướng về việc bán phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không thuộc danh mục Nhà nước cần nắm giữ nhưng có hoạt động hiệu quả, đem lại nguồn thu lớn, đóng góp cho việc xây dựng vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Theo kế hoạch dự kiến nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về ngân sách nhà nước để chi đầu tư phát triển giai đoạn 2021 – 2025 là 248 nghìn tỷ đồng (NSTW là 200 nghìn tỷ đồng; NSĐP là 48 nghìn tỷ đồng) được lập trên cơ sở danh mục, kế hoạch doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, dự kiến số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại một số doanh nghiệp có số thu lớn như Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (19,8 nghìn tỷ đồng), Tổng công ty Mobifone (9,2 nghìn tỷ đồng), VNPT (30,7 nghìn tỷ đồng), VICEM (7,1 nghìn tỷ đồng), Sabeco (40,1 nghìn tỷ đồng), Vinamilk (56,9 nghìn tỷ đồng), EVNGENCO1 (17 nghìn tỷ đồng), EVNGENCO2 (11,9 nghìn tỷ đồng).
Tuy nhiên, việc cổ phần hóa, thoái vốn chậm, không đạt kế hoạch đề ra, Bộ Tài chính giải trình trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội.
Bộ Tài chính đồng thuận, nhắc tới nhiều cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa quyết liệt
Trong văn bản Bộ Tài chính gửi đại biểu Quốc hội tiếp thu, giải trình về một số ý kiến chủ yếu được thảo luận tại Tổ về tình hình thực hiện NSNN năm 2022, dự toán NSNN, phân bổ NSTW năm 2023 và Kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2023-2025, Bộ Tài chính đã có riêng phần giải trình về nội dung này.
Cụ thể, Bộ Tài chính báo cáo, các nguyên nhân khách quan như: khủng hoảng kinh tế - chính trị, năng lượng trên thế giới, chiến tranh tại châu Âu; Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định trong thời gian qua, các doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai, tồn tại nhiều vấn đề về tài chính.
Nhưng nguyên nhân của việc chậm trễ này chủ yếu phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, trách nhiệm thuộc về các cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp.
Công tác dự toán NSNN nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay căn cứ trên cơ sở kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa tính đến yếu tố biến động của thị trường, dẫn đến số dự toán sẽ không đảm bảo chính xác nếu các yếu tố này thay đổi.
Do đó, cần phải rà soát để điều chỉnh lại số dự toán thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đảm bảo tính khả thi (theo Nghị định số 148/2021/NĐ-CP), báo cáo Quốc hội điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn.
Công tác triển khai cổ phần hóa các doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp không thực hiện được do nhiều đơn vị vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa theo quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính phải xử lý.
Nhiều cơ quan đại diện chủ sở hữu (bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) chưa quan tâm, quyết liệt trong việc đôn đốc, chỉ đạo các DNNN rà soát, triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại còn vướng mắc, chậm, đặc biệt là nội dung cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Việc xây dựng danh mục, kế hoạch thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn còn chưa khả thi, chưa sát với thực tế, chậm rà soát, điều chỉnh kế hoạch nên khi triển khai thực hiện không đạt kết quả; ảnh hưởng đến số thu về NSNN từ cổ phần hóa, thoái vốn.
Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu còn chưa cao, còn ngại khó, né tránh, sợ trách nhiệm, thiếu tính chủ động mà trông chờ vào việc thay đổi cơ chế, chính sách mới triển khai, còn tư tưởng đùn đẩy trách nhiệm đến các Bộ, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ quyết định và không muốn cơ cấu lại DNNN theo hình thức cổ phần hóa, thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ, đang hoạt động ổn định.
Một số bộ, ngành, địa phương, DNNN chưa quan tâm đến việc sắp xếp xử lý nhà, đất. Việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chưa tốt, chậm.
Việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn phụ thuộc vào tình hình thị trường, lựa chọn thời điểm bán cổ phần hợp lý để đem lại hiệu quả, đảm bảo tính khả thi.