Thư từ Nhật Bản: Hạn chế tác động từ Omicron
Sự lây lan nhanh của biến thể Omicron khiến chính phủ và người dân Nhật Bản phải hành động kịp thời để hạn chế những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra
Tại thủ đô Tokyo - Nhật Bản, đại dịch Covid-19 gần đây đã lây lan trở lại nhanh chóng. Chỉ trong khoảng 4 tháng rưỡi qua, tính đến ngày 14-1-2022, lần đầu tiên số lượng ca nhiễm một ngày vượt quá 4.000.
Bên cạnh đó, vào ngày 11-1, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã công bố sẽ kéo dài lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài có điều kiện nhập cảnh mới, nhằm ngăn chặn những diễn biến phức tạp của biến thể Omicron.
Về việc rút ngắn thời gian tự cách ly từ 14 ngày xuống còn 10 ngày, ông Yamagiwa Daishiro, Bộ trưởng phụ trách phục hồi kinh tế Nhật Bản, phát biểu trên đài truyền hình BS Fuji hôm 13-1: "Chúng tôi phải tiến hành theo hướng rút ngắn thời gian cách ly, tránh làm ngưng trệ và ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội".
Ông Daishiro khẳng định chính phủ chắc chắn sẽ đẩy mạnh dịch vụ chăm sóc tại nhà cho những người nhiễm chủng mới của virus SARS-CoV-2, đồng thời nhấn mạnh: "Không cần phải ngừng các hoạt động kinh tế trừ khi chăm sóc y tế gặp khủng hoảng".Lý do cho việc rút ngắn này là vì sự thiếu hụt về lực lượng lao động, ảnh hưởng đến vấn đề vận hành của nhiều doanh nghiệp.
Hiện nay, tại tỉnh Okinawa, hơn 600 nhân viên y tế buộc phải nghỉ việc. Số lượng nhân viên y tế phải vắng mặt do lây nhiễm hoặc tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 đã tăng từ 220 vào ngày 6-1 lên 628 vào hôm 12-1. Con số này tăng gần 3 lần, cảnh báo về sự ảnh hưởng nặng nề của các ca nhiễm mới lên hệ thống y tế.
Bên cạnh sự thiếu hụt về lực lượng lao động, không thể không kể đến những ảnh hưởng của đại dịch gần đây tới nguồn tài nguyên năng lượng trong cuộc sống như điện, gas, xăng. Vào tháng 11-2021, giá bán lẻ xăng trung bình trên toàn quốc đã tăng lên 169 yen/lít (khoảng 34.000 đồng), mức cao nhất trong khoảng 7 năm qua.
Nếu giá bán lẻ vượt quá 170 yen, chính phủ Nhật Bản sẽ trợ cấp cho các nhà bán lẻ để kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu. Một biện pháp mới sẽ được áp dụng để trợ cấp 5 yen (xấp xỉ 1.000 đồng) mỗi lít. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng trợ cấp như vậy là quá ít so với mức tăng của giá xăng dầu hiện nay.
Trước đó, vào tháng 10-2021, khi đứng trước nguồn cung thiếu hụt và nhu cầu sử dụng điện tăng vọt trong mùa đông, Cơ quan Tài nguyên và Năng lượng Nhật bản đã thông báo rằng đây sẽ là thời điểm "khó khăn nhất trong 10 năm qua". Tuy nhiên, giá điện của 10 công ty điện lực lớn tăng liên tục từ tháng 9-2021 và dự kiến kéo dài đến tháng 2-2022. Giá gas của 4 công ty gas lớn ở Tokyo cũng đang tăng đáng kể.
Thời tiết Nhật Bản năm nay trở lạnh đột ngột, xuất hiện nhiều trận tuyết lớn trải dọc cả nước khiến nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao. Khi dịch bệnh bớt căng thẳng, các vấn đề năng lượng sẽ được giải quyết, dù đây là điều đã được dự báo là không hề dễ dàng. Những thay đổi làm cho các vấn đề năng lượng được nhắc tới nhiều hơn, khiến Nhật Bản cũng phải đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng sạch.
Đi kèm với sự tăng vọt giá cả của các loại năng lượng là lạm phát. Ngày 13-1 vừa qua, trong bối cảnh giá đồng yen đang giảm, ông Takeshi Okazaki, Giám đốc tài chính Tập đoàn Fast Retailing - điều hành nhãn hàng thời trang Uniqlo (đã có mặt chính thức tại Việt Nam), đề cập việc tăng giá tại cuộc họp báo cáo kết quả tài chính.
Tập đoàn Nisshin Oillio, doanh nghiệp sản xuất dầu ăn, cũng thông báo sẽ tăng giá 12 mặt hàng, bao gồm các loại sốt salad và mayonnaise, từ 3% đến 13% kể từ đợt giao hàng vào ngày 1-4 sắp tới.
Trước đà lây lan với tốc độ chóng mặt của biến thể Omicron, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn cho rằng không cần thiết phải thực hiện các thay đổi lớn đối với kế hoạch phục hồi kinh tế - tài chính trong năm mới.
Tuy nhiên, nếu các hạn chế đã và đang được thi hành phải mở rộng hoặc kéo dài, nền kinh tế có thể bị suy giảm nghiêm trọng, kéo theo những hậu quả không mong muốn. Vì vậy, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng đang lên kế hoạch để phòng ngừa những yếu tố rủi ro cho tương lai.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/han-che-tac-dong-tu-omicron-20220116183413635.htm