Thủ tục chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện của doanh nghiệp

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, văn phòng đại diện của doanh nghiệp được chấm dứt hoạt động dựa theo quyết định của chính doanh nghiệp đó, hoặc theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với thương nhân Việt Nam:

Quy trình thực hiện:

- Doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu của Phòng đăng ký kinh doanh và nộp theo thời gian quy định;

- Phòng đăng ký kinh doanh sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đồng thời liên hệ với cơ quan thuế để xin ý kiến;

- Nếu hồ sơ hợp lệ và doanh nghiệp đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu về nghĩa vụ thuế thì Phòng đăng ký kinh doanh sẽ chuyển tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng chấm dứt hoạt động; đồng thời ra Thông báo về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan sẽ yêu cầu doanh nghiệp bổ sung, sửa đổi;

- Thời hạn giải quyết hồ sơ: 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. Không thu lệ phí.

Thành phần hồ sơ cần có:

- Thông báo về việc chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện (mẫu Phụ lục II-22 Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT);

- Quyết định của doanh nghiệp về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện bao gồm quyết định của doanh nghiệp hoặc quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế của chi nhánh và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội;

- Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động;

- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện;

- Con dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có);

- Đối với văn phòng đại diện thuộc doanh nghiệp được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương thì phải có thêm Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký hoạt động (mẫu Phụ lục II-19 Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT)

Lưu ý:

- Văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh trong trường hợp chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh ngừng hoạt động 01 năm mà không thông báo với Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế;

- Việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp ở nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật nước đó. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày chính thức chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài, doanh nghiệp thông báo bằng văn bản đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính

Đối với thương nhân nước ngoài:

Các trường hợp chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài:

- Theo đề nghị của thương nhân nước ngoài;

- Khi thương nhân nước ngoài chấm dứt hoạt động theo pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi thương nhân đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh;

- Hết thời hạn hoạt động theo Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện mà thương nhân nước ngoài không đề nghị gia hạn;

- Hết thời gian hoạt động theo Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện mà không được Cơ quan cấp Giấy phép đồng ý gia hạn;

- Bị thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo quy định tại Điều 44 Nghị định 07/2016/NĐ-CP;

- Thương nhân nước ngoài, Văn phòng đại diện không còn đáp ứng một trong những điều kiện quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định 07/2016/NĐ-CP.

Quy trình thủ tục:

- Thương nhân nước ngoài nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Cơ quan cấp giấy phép;

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ được thực hiện tối đa một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình về việc chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện;

- Cơ quan thực hiện: Sở Công Thương

Hồ sơ cần chuẩn bị:

- Thông báo về việc chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện theo mẫu của Bộ Công Thương do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký, trừ trường hợp bị thu hồi giấy phép (mẫu đơn quy định tại Thông tư 11/2016/TT-BCT);

- Bản sao văn bản của Cơ quan cấp Giấy phép không gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh (đối với trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 35 Nghị định này) hoặc bản sao Quyết định thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh của Cơ quan cấp Giấy phép (đối với trường hợp bị thu hồi giấy phép);

- Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội;

- Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động;

- Bản chính Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh.

Lưu ý:

- Thủ tục nêu trên không áp dụng cho thương nhân nước ngoài có trụ sở trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu kinh tế;

Trước khi tiến hành chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện, thương nhân nước ngoài cần phải hoàn tất các thủ tục và nghĩa vụ về thuế; thông báo cho người lao động và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả lương, chấm dứt hợp đồng lao động; thanh lý các loại hợp đồng khác như hợp đồng thuê nhà, hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa các bên…(nếu có); thanh toán các khoản nợ khác.

Dương Dương (T/h)

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanviet.news/chinh-sach-moi/thu-tuc-cham-dut-hoat-dong-van-phong-dai-dien-cua-doanh-nghiep-7463.html