Thủ tục đầu tư một dự án phải qua 64 bước
Đại biểu Dương Văn Thống - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái nêu lên nhiều khó khăn, phức tạp trong khâu chuẩn bị của các dự án đầu tư công và đề xuất Quốc hội, Chính phủ có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho lĩnh vực này.
![Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2019_10_31_11_32775646/18d3a97e343edd60842f.jpg)
Ảnh minh họa
Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 31/10, Đại biểu Dương Văn Thống - Đoàn tỉnh Yên Bái cho hay, theo dõi nhiều năm qua cho thấy các dự án đầu tư công chuẩn bị triển khai có nhiều vướng mắc, chậm. Có thể do nhiều nguyên nhân như: các quy định, khả năng cân đối vốn, phân bổ vốn, giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu…
Tuy nhiên, Đại biểu Thống dành sự quan tâm tập trung nhất cho một khía cạnh, đó là các quy định, thủ tục đầu tư công. Dự án đầu tư công trong điều kiện bình thường dù là dự án nhỏ, quy mô vài tỷ mà phải đấu thầu thì điều chỉnh bởi Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu được các đại biểu đã biết và 5 nghị định của Chính phủ. Từ chủ trương chuẩn bị cho đến lúc khởi công công trình, chưa nói thực hiện, phải trải qua 64 bước gắn với các thủ tục và số thủ tục thì chắc chắn nhiều hơn số bước này.
Một dự án đầu tư công, muốn nhanh nhất cũng phải chuẩn bị thủ tục trên 90 ngày mới có thể khởi công được. Nhưng chính các quy định hiện hiện hành lại đang khiến khâu chuẩn bị dự án có thể kéo dài từ 400 - 445 ngày, thậm chí còn hơn. Một số nơi như TP Chí Minh, có dự án chuẩn bị tới 500 - 600 ngày.
Ở cấp địa phương, những dự án còn phải có ý kiến của cấp ủy, Thường trực hoặc Thường vụ. Thì các dự án lớn quan trọng của tỉnh, của quốc gia còn phứ tạp đến thế nào?
Đại biểu Phạm Trọng Nhân đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát khi thực hiện Luật Đầu tư công mới, nhất là các nghị định về quy trình, các bước thế nào cho hợp lý, khoa học.
“Tôi cũng đề nghị đưa ý này vào Nghị quyết kinh tế - xã hội năm 2020 và chỉ đạo phải rút ngắn được thời gian thực hiện. Nếu tiến hành như một cỗ máy, một dự án đầu tư bình thường phải đấu thầu làm trên 90 ngày mới hoàn thành các bước từ lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án; lập thẩm định, lựa chọn nhà thầu, tất cả bản vẽ thi công, v.v.. Lựa chọn nhà thầu thi công, tất cả quy trình đó nếu bình thường cũng phải mất tới gần 100 ngày” - ông Nhân thông tin.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy – Đoàn tỉnh Hậu Giang thì bày tỏ sự quan tâm tới việc xử lý vi phạm tại các dự án, công trình xây dựng lớn. Bà Thủy cho biết: “Cử tri phản ánh trong thời gian qua, ở một số địa phương trong cả nước còn xảy ra nhiều vụ sai phạm tại các công trình xây dựng, các dự án lớn liên quan đến đất đai như các công trình xây dựng chưa được cấp phép, xây dựng sai phép, các dự án đầu tư xây dựng khu dân cư chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chủ đầu tư vẫn hợp đồng mua bán với người dân công khai rầm rộ”.
Điển hình là vụ lừa đảo rất lớn, sai phạm rất nghiêm trọng của Công ty Địa ốc Alibaba. “Cử tri đặt vấn đề có hay không sự buông lỏng quản lý hoặc có sự tiếp tay của cán bộ công quyền để các dự án ma, các công trình xây dựng đồ sộ, trái pháp luật ngang nhiên tồn tại trong thời gian dài?” – bà Thủy thông tin.
Cử tri cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý của cơ quan có thẩm quyền, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu ở địa phương nơi để xảy ra các sai phạm trên. Có như vậy mới tạo niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thời gian tới.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thu-tuc-dau-tu-mot-du-an-phai-qua-64-buoc-356391.html