Thủ tục hành chính có phát sinh sau khi sáp nhập phường ở Hà Nội?
Sau khi có thông tin về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025, nhiều người dân không khỏi băn khoăn về việc thay đổi các loại giấy tờ hay phát sinh những thủ tục hành chính khác.
Theo phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025, thành phố hiện có 173 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trên tổng số 579 đơn vị.
TP Hà Nội cho biết sau khi sắp xếp, thành phố sẽ phải thực hiện bố trí lại số lượng cán bộ, công chức dôi dư, trụ sở, tài sản công tương đối lớn. Theo đó, nhiều người bày tỏ sự ủng hộ việc sáp nhập sẽ giúp tinh gọn biên chế, giảm thiểu áp lực tài chính lên bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó là rất nhiều những ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về việc thực hiện sáp nhập sẽ làm phát sinh những thủ tục hành chính rắc rối không đáng có.
Nhiều người dân thuộc diện sáp nhập đơn vị hành chính lo lắng về việc thời gian tới, những thông tin trên giấy tờ như căn cước công dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bằng lái xe, các thông tin ngân hàng... sẽ phải thay đổi toàn bộ. Trong đó, nhiều người đang trong quá trình thực hiện những thủ tục hành chính như thừa kế, chuyển giao tài sản, đăng ký dự thi chuyển cấp,... không khỏi hoang mang vì có thể phải gấp rút đi làm lại giấy tờ.
Việc sáp nhập cần quan tâm tới các quyền lợi hợp pháp của người dân, đảm bảo quy trình thực hiện các thủ tục hành chính được nhanh gọn, hiệu quả. Độc giả có tên T.H.A bày tỏ: "Sáp nhập nhưng cần tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính, giấy tờ cho người dân, để mỗi lần làm thủ tục cho con đi học hay các thủ tục khác được thuận tiện, không bị làm khó. Tôi tin tưởng vào sự nhạy bén trong cải cách hành chính của Nhà nước".
Theo đại diện Bộ Công an, việc sáp nhập huyện xã sẽ thay đổi tên gọi đơn vị hành chính nên một số trường thông tin của người dân sinh sống ở đó sẽ thay đổi. Vì vậy, Bộ Công an sẽ chạy lại hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cập nhật các thay đổi này.
Sau sáp nhập, người dân không bắt buộc phải đổi giấy tờ, nhưng để thuận tiện cho giao dịch, Bộ Công an khuyến khích người dân thay đổi thông tin theo địa giới hành chính mới. Việc này được thực hiện miễn phí.
Với một số trường thông tin ở giấy khai sinh như nơi sinh, quê quán, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp để chạy trên toàn hệ thống, có điều chỉnh cụ thể ở từng trường hợp.
Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025, các quận, huyện, thị xã có đơn vị hành chính cấp xã phải sáp nhập gồm: Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Đống Đa, Long Biên, Đan Phượng, Thường Tín, Quốc Oai và Sơn Tây. Trong đó, quận Đống Đa dự kiến sáp nhập 6 phường thành 4 phường. Với quận Hai Bà Trưng, thành phố đề xuất nhập 7 phường thành 4 phường. Ở quận Thanh Xuân, 4 phường được đề xuất sáp nhập thành 2 phường.
Tại quận Hà Đông, thành phố dự kiến sáp nhập 3 phường thành đơn vị hành chính mới. Tại quận Long Biên, 3 phường được sáp nhập để giảm còn 2 phường. Thị xã Sơn Tây có phương án sáp nhập 3 phường. Ở các huyện, Ứng Hòa sẽ sáp nhập 14 xã thành 5 xã. Các huyện còn lại là Đan Phượng, Thường Tín và Quốc Oai cùng có phương án giảm 4 xã.