Thủ tướng Abe Shinzo: Một sự nghiệp đủ 'thăng trầm', đủ 'mặn ngọt'
Ngày 28/8, 4 ngày sau khi Thủ tướng Abe Shinzo lập kỷ lục thủ tướng Nhật Bản cầm quyền liên tục dài nhất, ông đã đột ngột từ chức. Điều này khiến cả nước Nhật bất ngờ nhưng với ông chắc gói gọn trong một chữ 'đủ'.
"Giọt nước tràn ly" hay thời điểm của lời muốn nói?
Giải thích cho quyết định khiến ngay cả những nhân vật thân cận nhất của mình cũng phải bất ngờ, ông Abe đề cập tới việc tái phát bệnh viêm loét đại tràng - căn bệnh từng khiến ông phải từ chức thủ tướng nhiệm kỳ đầu tiên hồi năm 2007. Ông cho biết muốn từ chức trước khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn nhằm tránh tạo ra khoảng trống chính trị trong khi cả nước đang chống lại đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, chắc hẳn phải có một vài nhân tố khác đã tác động tới vai trò thủ tướng của ông Abe trước khi vấn đề sức khỏe đóng vai trò là “giọt nước làm tràn ly” cho quyết định từ chức.
Trong những năm gần đây, các bê bối chính trị đã gây ra nhiều rắc rối cho chính quyền Abe cũng như làm xói mòn sự ủng hộ chính trị dành cho vị thủ tướng 65 tuổi. Những bê bối này bao gồm vụ bê bối đất công của trường Moritomo Gakuen, cáo buộc vai trò của ông Abe trong việc giúp Viện giáo dục Kake Gakuen giành được suất xây trường ở một đặc khu kinh tế và vụ bắt giữ cộng sự thân cận của ông Abe là ông Katsuyuki Kawai và vợ của ông ta là Andri Kawai hồi tháng 6 với cáo buộc mua phiếu bầu.
Theo giải thích của Giáo sư Aurelia George Mulgan thuộc Đại học New South Wales, Australia, sự bất bình của công chúng đối với việc chính phủ lúng túng trong cách thức đối phó dịch Covid-19 cũng là một nguyên nhân khác gây tác động đến quyết định từ chức của Thủ tướng Abe. Thị trưởng Yuriko Koike của thủ đô Tokyo và Tỉnh trưởng Hirofumi Yoshimura của tỉnh Osaka từng đi đầu trong việc nêu rõ rủi ro của Covid-19 và đã gây áp lực buộc chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp, song ông Abe dường như vẫn “bình chân như vại”.
Có ý kiến cho rằng Nhật Bản đã thiếu sót khi không tiến hành xét nghiệm Covid-19 ở quy mô diện rộng cho người dân. Ngoài ra, giáo sư George Mulgan cũng cho rằng đã có sự “lúng túng và chậm trễ xung quanh các khoản chi kích cầu cũng như việc đưa vào sử dụng khẩu trang chất lượng thấp, loại khẩu trang được gọi một cách chế giễu là 'khẩu trang Abe’”. Trong khi đó, chiến dịch quảng bá du lịch nhằm đẩy mạnh ngành công nghiệp không khói cũng vấp phải sự chỉ trích nặng nề vì đã đặt ưu tiên kinh tế lên trên vấn đề sức khỏe.
Nhìn lại một di sản
Khi Abe rời nhiệm sở, ông bỏ lại sau lưng những thành tích pha trộn. Về mặt kinh tế, ông sẽ được ghi nhớ với gói chính sách kinh tế mang dấu ấn của riêng mình mang tên “Abenomics” bao gồm chính sách nới lỏng định lượng, kích thích tài khóa cũng như cải cách cấu trúc.
Ông Abe có thể được ghi nhận như một thuyền trưởng đã giữ cho con tàu kinh tế Nhật Bản không chìm. Tuy nhiên, thiếu sót trong công tác đôn đốc, chỉ đạo và giám sát quá trình cải cách cấu trúc cũng như tác động nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra đã khiến nền kinh tế Nhật Bản hiện nay, một nền kinh tế đặc trưng bởi già hóa và suy giảm dân số, dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.
Ông Abe là người ủng hộ tự do thương mại toàn cầu. Ông đã thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cũng như Hiệp định Đối tác Kinh tế Nhật Bản-EU. Tuy nhiên, việc áp đặt hạn chế thương mại đối với Hàn Quốc hồi năm 2019 được xem như động thái đáp trả quan điểm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về vấn đề “phụ nữ mua vui” và lao động cưỡng bức.
Ngoại giao là lĩnh vực mà ông Abe tỏa sáng. Ông là một lãnh đạo thực hiện nhiều chuyến công du không biết mệt mỏi để nâng cao vị thế quốc tế của Nhật Bản, đặc biệt là tại Đông Nam Á.
Thành tích ngoại giao của ông Abe đối với Trung Quốc có phần phức tạp khi trước đó làm xấu đi quan hệ song phương với Bắc Kinh bằng quyết định viếng thăm Đền Yasukuni hồi tháng 12/2013 và vấp phải sự phản đối của Mỹ vì hủy hoại sự ổn định của khu vực. Mặc dù vậy, ông Abe đã thận trọng từng bước cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc thông qua chuyến thăm của ông tới Bắc Kinh hồi tháng 10/2018 và ký một hiệp định hợp tác với Bắc Kinh liên quan hơn 50 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chung được thực hiện tại những nước thứ 3.
Xử lý thành công mối quan hệ với Trung Quốc đồng thời giải quyết được tính bấp bênh về an ninh và kinh tế của chính sách “Nước Mỹ trước tiên” đã đem lại cho ông Abe những điểm cộng về ngoại giao. Ông Abe cũng là một trong số ít các lãnh đạo trên thế giới có được một mối quan hệ cá nhân tích cực với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông nhận được sự tán dương rộng rãi ở trong nước sau khi tránh được việc thực hiện yêu cầu của Trump về chi trả mọi chi phí cho quân đồn trú Mỹ tại Nhật Bản, cũng như tránh được việc đánh thuế ô tô nhập khẩu của Nhật Bản mặc dù hai bên mới chỉ đạt được một phần của thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật hồi năm 2019.
Về chính sách an ninh, ông Abe đã đạt được một số cải cách quan trọng bao gồm việc thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phối hợp liên ngành, công tác lên kế hoạch và xử lý khủng hoảng liên bộ mà dẫn đầu là văn phòng thủ tướng.
Mặc dù có những tranh cãi, song chính phủ Abe đã diễn giải lại Điều 9 của Hiến pháp và sau đó thông qua việc thực thi những dự luật mới về an ninh vốn được Quốc hội thông qua từ hồi tháng 9/2015, cho phép Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) tham gia vào các hình thức tự phòng vệ tập thể có giới hạn, song động thái này cũng châm ngòi cho cuộc biểu tình quy mô lớn nhất tại Nhật Bản kể từ năm 1960.
Mặc dù Abe có thể được ghi nhớ như một vị thuyền trưởng đã giữ vững con tàu Nhật Bản, song ông lại thất bại trong việc lái con tàu này hướng tới những mục tiêu đầy tham vọng của mình. Có người băn khoăn rằng liệu ông Abe có thể đã đạt được những thành tựu kinh tế ở mức độ nào nếu ông đã không đầu tư quá nhiều vốn liếng chính trị vào dự án cải cách Hiến pháp. Thế nhưng, nếu không có động lực cải cách Hiến pháp, thì ông Abe lại có thể không bao giờ thực hiện cải cách kinh tế hăng hái như vậy.
Thủ tướng Abe cũng sẽ được ghi nhớ về nỗ lực đem lại sự ổn định chính trị đối với Nhật Bản, với khu vực cũng như trên toàn cầu. Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hiện nay được quyền chỉ định người kế nhiệm ông Abe sớm nhất vào giữa tháng 9. Ưu tiên hàng đầu của vị thủ tướng Nhật Bản mới sẽ là kiểm soát làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 tại quốc gia này. Chỉ khi đó, Nhật Bản mới có thể nỗ lực tổ chức thành công Thế vận hội Tokyo, thực hiện được những bước đi cần thiết để phục hồi kinh tế hậu Covid-19 cũng như lấy lại được đà trong công tác ngoại giao.
Thu Hiền
(theo Eastasia Forum)