Thủ tướng Ấn Độ công du Đông Âu: Cân bằng và củng cố vị thế

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa kết thúc chuyến công du tới Ba Lan và Ukraine. Chuyến thăm thể hiện nỗ lực của Ấn Độ nhằm củng cố vị thế ở khu vực Đông Âu; cân bằng trong chính sách đối ngoại để tăng cường vị thế trên toàn cầu.

Gia tăng ảnh hưởng tại Đông Âu

Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du lần này của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là Ba Lan. Diễn ra trong hai ngày (21 - 22.8), đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ tới quốc gia này trong vòng 45 năm qua. Chuyến thăm được tiến hành nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1954 - 2024) và là cơ hội để thúc đẩy các thỏa thuận lịch sử về hợp tác giữa hai quốc gia trong thời gian tới.

Ba Lan là một thành viên quan trọng của NATO ở phía Đông và là đối tác chiến lược quan trọng của Ấn Độ tại châu Âu. Chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của mối quan hệ này, trong bối cảnh Ấn Độ tìm cách mở rộng ảnh hưởng và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược tại châu Âu.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk trước cuộc hội đàm ngày 22.8. Ảnh: IASN

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk trước cuộc hội đàm ngày 22.8. Ảnh: IASN

Chuyến thăm còn cho thấy ý định về đa dạng hóa các mối quan hệ của Ấn Độ tại châu Âu. Trước đây, Ấn Độ thường tập trung vào các quốc gia Tây Âu như Pháp và Đức, song hiện quốc gia này đang chuyển hướng về phía Đông Âu. Sự thay đổi này là một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm tăng cường sự hiện diện của Ấn Độ tại khu vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực như hợp tác quốc phòng, thương mại và an ninh năng lượng.

Trong thời gian ở thăm Ba Lan, Thủ tướng Narendra Modi đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và cuộc gặp Tổng thống Andrzej Duda. Các cuộc thảo luận tập trung vào việc tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy thương mại và khám phá những hướng hợp tác mới giữa hai nước.

Thời gian qua, thương mại song phương của hai nước đã tăng đáng kể ở mức 6 tỷ USD, khiến Ba Lan trở thành đối tác thương mại quan trọng và lớn nhất của Ấn Độ ở Trung và Đông Âu. Một số công ty Ấn Độ đã đạt những thành công nhất định vào nhiều lĩnh vực, từ công nghệ thông tin đến dược phẩm, sản xuất, xe nông nghiệp đến điện tử, thép, kim loại và hóa chất… và ngược lại.

Hai bên cũng cũng nhất trí về một thỏa thuận an sinh xã hội sẽ mang lại lợi ích cho tất cả người dân; đồng thời công bố một sáng kiến mới mang tên Chương trình Trao đổi Thanh niên Tưởng niệm Jam Saheb. Theo đó, 20 thanh niên Ba Lan sẽ được mời đến thăm Ấn Độ hàng năm.

Theo đuổi đường lối ngoại giao cân bằng

Kết thúc chuyến thăm Ba Lan, Thủ tướng Modi sẽ có mặt tại Ukraine vào ngày 23.8, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ tới quốc gia này sau hơn 30 năm.

Theo các nguồn tin, mặc dù nhiều khả năng Thủ tướng Modi sẽ không đề xuất một kế hoạch hòa bình nào trong chuyến công du, song, dư luận Ấn Độ cho rằng, việc ông Modi tiến hành chuyến thăm Ukraine vào thời điểm này đã phát đi một thông điệp rất quan trọng của Ấn Độ: quốc gia này không chọn bên. Ấn Độ không chỉ chú trọng quan hệ với Nga hay Ukraine mà muốn thúc đẩy quan hệ với mọi nước trên thế giới và theo đuổi một đường lối đối ngoại trung lập, cân bằng.

Trang India TV News dẫn lời Vụ trưởng Ngoại giao phụ trách phương Tây của Bộ Ngoại giao Ấn Độ Tanmaya Lal cho biết, Ấn Độ có mối quan hệ thực chất và độc lập với cả Nga và Ukraine. Chuyến thăm được thực hiện dựa trên sự tương tác liên tục giữa Ấn Độ và Ukraine. Khi được hỏi về xung đột ở Ukraine, ông Lal khẳng định, Ấn Độ duy trì lập trường rất rõ ràng và nhất quán rằng, ngoại giao và đối thoại có thể giải quyết xung đột này, từ đó có thể dẫn đến hòa bình lâu dài. Hòa bình lâu dài chỉ có thể đạt được thông qua các lựa chọn được cả hai bên chấp nhận và chỉ có thể là giải pháp đàm phán. Đây là lập trường rõ ràng và nhất quán mà Ấn Độ đã đưa ra và tin rằng phần lớn các quốc gia đều có cùng quan điểm này. Ngoài ra, Ấn Độ cũng sẽ sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ và đóng góp cần thiết không chỉ để tìm ra giải pháp hòa giải cho cuộc xung đột, mà còn cả quá trình phục hồi của Ukraine

Các cuộc hội đàm của giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Zelensky dự kiến tập trung vào toàn bộ phạm vi quan hệ Ấn Độ - Ukraine, bao gồm các lĩnh vực nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, dược phẩm, y tế và giáo dục, quốc phòng và giao lưu nhân dân. Với Ukraine, Ấn Độ chắc chắn cũng là một đối tác kinh tế giàu tiềm năng. Ấn Độ hiện nhập khẩu nhiều dầu ăn, hóa chất và một số thiết bị máy móc, lò phản ứng hạt nhân từ Ukraine. Nhiều nguồn tin cho rằng, Thủ tướng Ấn Độ lần này có thể sẽ mang đến một số đề xuất đầu tư, thúc đẩy quá trình tái thiết Ukraine thời hậu chiến, trong đó có thể xây dựng một số nhà máy tiêu chuẩn châu Âu của Ấn Độ tại Ukraine.

Bên cạnh đó, Ấn Độ sẽ phải đối mặt với thách thức là làm sao tìm ra được một lối đi để có thể thực sự thúc đẩy một giải pháp hòa bình giữa Nga và Ukraine. Do đó, dư luận Ấn Độ kỳ vọng vào chuyến công du lần này là tiền đề để tạo dựng lòng tin về một Ấn Độ trung lập, một trung gian hòa giải thực sự vì lợi ích của tất cả các bên.

Theo các chuyên gia, các chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Ba Lan và Ukraine là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Ấn Độ muốn củng cố quan hệ với các quốc gia Đông Âu, sẵn sàng tham gia tích cực hơn vào các vấn đề toàn cầu, sử dụng đòn bẩy ngoại giao và chiến lược của mình để thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác trong một thế giới đa cực. Chuyến công du này đại diện cho một bước tiến đáng kể trong quan hệ ngoại giao của Ấn Độ với châu Âu. Những chuyến thăm lịch sử này không chỉ tôn vinh quá khứ mà còn mở đường cho các mối quan hệ kinh tế, văn hóa và chính trị mạnh mẽ hơn. Khi Ấn Độ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế, những cam kết này phản ánh cam kết của đất nước trong việc thúc đẩy hòa bình, hợp tác và tôn trọng giữa các quốc gia.

Châu Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/thu-tuong-an-do-cong-du-dong-au-can-bang-va-cung-co-vi-the-i385327/