Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi: Thách thức trên chặng đường sắp tới
Theo giới phân tích, thất nghiệp và lạm phát là một trong những thách thức lớn nhất mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phải đối mặt trong nhiệm kỳ thứ ba.
Kết thúc cuộc tổng tuyển cử kéo dài 44 ngày và trải qua 7 giai đoạn, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã giành chiến thắng không nằm ngoài mong đợi.
Theo giới phân tích, thất nghiệp và lạm phát là một trong những thách thức lớn nhất mà ông Modi phải đối mặt trong nhiệm kỳ thứ ba.
Thành tựu và thách thức
Ông Modi, 73 tuổi, lần đầu tiên lên nắm quyền Thủ tướng Ấn Độ vào năm 2014. Trong thập niên ông Modi lãnh đạo Ấn Độ, thế giới đã chứng kiến những bước chuyển mình đầy ngoạn mục của quốc gia Nam Á này trên mọi phương diện.
Theo đánh giá của công ty dịch vụ tài chính Jefferies, kể từ khi Thủ tướng Modi lên nắm quyền nhiệm kỳ đầu tiên, Ấn Độ đã đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trên 7% tính theo đồng USD và nhảy từ vị trí nền kinh tế lớn thứ 8 lên thứ 5 thế giới.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt khoảng 3.600 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đã tăng từ khoảng 5.000 USD lên hơn 7.500 USD.
Trong 4 năm tới, GDP của Ấn Độ có thể cán mốc 5.000 tỷ USD nhờ lợi thế nhân khẩu học cũng như đổi mới sức mạnh thể chế và cải thiện quản trị. Tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ đạt 8,4% trong tài khóa kết thúc vào tháng Ba vừa qua, khiến nước này trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất cho đến nay. Tuy nhiên, nền kinh tế đang đối mặt với vấn đề tỷ lệ thất nghiệp cao, vốn đã tăng từ 7,4% trong tháng Ba lên 8,1% trong tháng Tư.
Theo báo cáo của Oxford Economics, bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, gần một nửa dân số Ấn Độ vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tương đối kém hiệu quả - tỷ lệ này đã tăng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Modi, từ 42,5% trong giai đoạn 2018-2019 lên 45,8% trong giai đoạn 2022-2023.
Báo cáo trên nhấn mạnh những người trẻ tuổi đặc biệt phải đối mặt với tình trạng thiếu việc làm. Trong năm 2022-2023, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao hơn khoảng 10 lần so với tỷ lệ ở người trưởng thành. Không chỉ thất nghiệp, kinh tế Ấn Độ còn đối mặt với vấn đề lạm phát dai dẳng.
Trong tháng Tư, lạm phát bán lẻ hàng năm đứng ở mức 4,83%, thấp hơn một chút so với tháng Ba, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 4% của ngân hàng trung ương. Lạm phát thực phẩm ở mức 8,7% trong tháng Tư, so với mức tăng 8,52% của tháng trước đó. Lạm phát thực phẩm đã ở mức hơn 8% so với cùng kỳ kể từ tháng 11/2023. Trước tình hình này, chính phủ đã đã cấm xuất khẩu lúa mỳ và gạo để kiềm chế lạm phát trong nước.
Giải pháp cho tăng trưởng bền vững
Trả lời hãng tin Al Jazeera, ông Michael Kugelman, Giám đốc Viện Nam Á tại Trung tâm Wilson, cho rằng trong nhiệm kỳ thứ ba, chính phủ của ông Modi sẽ phải tìm cách hỗ trợ những người Ấn Độ nghèo hơn.
Theo ông Kugelman, nhìn chung, đây sẽ là một chương trình nghị sự kinh tế rất tham vọng. Sáng kiến “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ) được đưa ra trong nỗ lực thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm và thu hút các thương hiệu toàn cầu thiết lập chuỗi cung ứng tại Ấn Độ. Tuy nhiên, sáng kiến này chưa tạo được nhiều việc làm cho phần lớn dân số vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo nhà kinh tế Alexandra Hermann của Oxford Economics, lý do dẫn tới tình trạng trên là do chính phủ tập trung chủ yếu vào việc thúc đẩy các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn nhưng sử dụng ít lao động hơn như điện tử và điều này có thể sẽ không thay đổi.
Các chuyên gia cho rằng một lý do khác là thiếu những cải cách lớn trong quy định về đất đai và lao động, vốn là điều cần thiết để thiết lập mô hình đầu tư lớn giúp thực sự mở rộng sản xuất.
Hiện tại, thay vì dựa vào sản xuất, đà tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ chủ yếu nhận được lực đẩy từ lĩnh vực dịch vụ. Giới phân tích nhận định thực tế này sẽ chỉ có thể tiếp tục trong dài hạn và tạo ra tăng trưởng bền vững và toàn diện nếu mức chất lượng nguồn nhân lực tăng lên. Bà Hermann nhấn mạnh nâng cao trình độ nguồn nhân lực trên diện rộng sẽ rất quan trọng để tạo ra tăng trưởng toàn diện và bền vững trong trung và dài hạn.
Ngoài ra, nhà kinh tế Ajay Shah lưu ý đầu tư tư nhân là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng GDP và tạo việc làm. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân ở Ấn Độ đã không hoạt động hiệu quả kể từ năm 2009-2011. Do đó, nguyên tắc tổ chức chính sách kinh tế phải là tạo điều kiện cho đầu tư tư nhân.
Theo ông Shah, một phần nguyên nhân dẫn đến sự thiếu thành công trong lĩnh vực này là do kế hoạch hóa tập trung quá mức trong chính sách kinh tế. Ông Shah bày tỏ hy vọng chính phủ của ông Modi trong nhiệm kỳ ba sẽ ở vị thế tốt hơn để giải quyết những vấn đề như vậy./.