Thủ tướng Ấn Độ và giấc mơ 'Viksit Bharat'

Ông Narendra Modi đã ghi dấu ấn vào lịch sử Ấn Độ, trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên nắm giữ 3 nhiệm kỳ liên tiếp kể từ thời Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru; tuy nhiên, việc đảng của ông để mất nhiều ghế tại Quốc hội so với nhiệm kỳ trước sẽ khiến nhiệm kỳ thứ ba không dễ dàng.

Chiến thắng chưa trọn vẹn

Mặc dù giành được nhiều ghế nhất, nhưng đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) thuộc Liên minh Dân chủ quốc gia cầm quyền của ông lại để mất hàng chục ghế tại Lok Sabha (Hạ viện) so với nhiệm kỳ trước. Hãng tin AP trích dẫn số liệu từ Ủy ban Bầu cử Ấn Độ cho thấy, BJP chỉ giành được 240 ghế trong tổng số 543 ghế ở Hạ viện. Con số này thấp hơn so với mức 272 ghế cần thiết để thành lập Chính phủ tiếp theo, và thấp hơn hẳn so với 303 ghế mà đảng này từng giành được vào năm 2019 và 282 ghế vào năm 2014. Mặc dù vậy, Liên minh Dân chủ quốc gia vẫn giành được 286 ghế tại Hạ viện. Ở chiều ngược lại, Liên minh Ấn Độ đối lập, do đảng Quốc đại dẫn đầu giành được 223 ghế, cao hơn đáng kể so với dự đoán trước đó.

Thủ tưởng Ấn Độ giành chiến thắng nhiệm kỳ 3 liên tiếp. Nguồn: CBS News

Thủ tưởng Ấn Độ giành chiến thắng nhiệm kỳ 3 liên tiếp. Nguồn: CBS News

Trong bối cảnh này, BJP sẽ phải dựa vào các đồng minh chủ chốt, nhất là đảng Telugu Desam ở bang miền nam Andhra Pradesh và đảng Janata Dal (United) ở Bihar để duy trì quyền lực. Đây là sự đảo ngược mạnh mẽ sau một thập kỷ nhiệm kỳ đầy biến đổi của ông Modi khi lần đầu tiên BJP không đạt được đa số. Theo hệ thống bầu cử của Ấn Độ, đảng hoặc liên minh giành được hơn 272 ghế tại Hạ viện mới có thể thành lập Chính phủ.

Tính tới hiện tại, ông Modi là chính trị gia thứ hai trong lịch sử giữ chức vụ Thủ tướng lần thứ 3 liên tiếp, sau ông Jawaharlal Nehru, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ. Trước khi ông lên nắm quyền, Ấn Độ đã có các chính phủ liên minh trong 30 năm.

Khát vọng về một "Viksit Bharat" vào năm 2047

Tuyên bố sau khi chiến thắng, Thủ tướng Modi nhấn mạnh: “Chiến thắng hôm nay là chiến thắng của nền dân chủ lớn nhất thế giới”. Trong nhiệm kỳ tới, ông cam kết sẽ thực hiện tốt lời hứa đưa ra khi tranh cử của mình là đưa nền kinh tế Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới từ vị trí thứ 5 hiện tại và tiếp tục chương trình nghị sự của mình. Ông cũng khẳng định sẽ thúc đẩy sản xuất quốc phòng, tạo thêm việc làm cho thanh niên, tăng xuất khẩu và giúp đỡ nông dân, cùng nhiều vấn đề khác, trong đó có phòng chống tham nhũng. Hãng tin AP dẫn lời ông cho biết: “Đất nước này sẽ chứng kiến một chương mới với những quyết định lớn. Đây là sự bảo đảm của Modi”.

Dưới sự điều hành của ông, Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, đã đạt được vị thế nổi bật mới trên trường quốc tế, cải tổ kết cấu hạ tầng quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu của 1,4 tỷ người, đồng thời rũ bỏ di sản của quá khứ thuộc địa. Ông nhanh chóng trở thành nhà lãnh đạo quyền lực và được lòng phần lớn bộ phận dân chúng.

Trong thập kỷ cầm quyền vừa qua, chính quyền đã tích cực nâng cấp mạng lưới giao thông cũ kỹ của đất nước, xây dựng đường cao tốc để kết nối những ngôi làng nhỏ với các thành phố lớn. Hàng tỷ USD cũng được chi cho các bến cảng, sân bay, đường sắt mới… Ngoài ra, Ấn Độ còn phát triển nhiều nhà máy điện mới và các dự án hàng hải, đồng thời trợ cấp xây dựng khoảng 40 triệu ngôi nhà bê tông cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Nhờ nền kinh tế phát triển nhanh chóng, GDP của Ấn Độ tăng trưởng với tốc độ 7,8% trong quý vừa qua, Thủ tướng Modi đã đặt mục tiêu tăng cường chuyển đổi Ấn Độ, với hoài bão đưa đất nước thành quốc gia phát triển vào năm 2047, nhân kỷ niệm 100 năm độc lập khỏi ách thống trị của thực dân Anh. Ông phát biểu: “Thế giới của thế kỷ XXI đang hướng về Bharat (Thủ tướng Modi sử dụng tên Bharat như tên gọi chính thức của Ấn Độ thay cho India) với nhiều hy vọng. Và chúng ta cần thực hiện một số thay đổi để tiến lên phía trước trong bối cảnh toàn cầu. Chúng ta cũng cần thay đổi tư duy truyền thống về cải cách. Bharat không thể giới hạn cải cách chỉ ở kinh tế. Chúng ta phải tiến về mọi mặt của đời sống theo hướng đổi mới. Những cải cách của chúng ta phải phù hợp với khát vọng về một "Viksit Bharat" (Ấn Độ phát triển) vào năm 2047”.

Cơn gió ngược đối với nhiệm kỳ thứ ba

Tuy nhiên, khi ông bước vào nhiệm kỳ mới, thành tích đạt được không khỏa lấp được nhiều thách thức cần giải quyết. Mặc dù kinh tế tăng trưởng ấn tượng, song phần lớn tài sản ngày càng tăng của đất nước lại được phân bổ không đồng đều. Đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất là tầng lớp thượng lưu. Bên cạnh đó, tuy nước này có lợi thế về lực lượng lao động trẻ chất lượng và đông đảo (40% dân số Ấn Độ dưới 25 tuổi, nhiều người am hiểu công nghệ và nói tiếng Anh lưu loát), song không ít trong số này vẫn thường xuyên thiếu việc làm. Thực tế, người dân Ấn Độ đang phải đối mặt với giá cả phi mã, tình trạng thất nghiệp tăng cao và bất bình đẳng thu nhập ngày càng giãn rộng, với hàng triệu người vẫn sống trong các khu ổ chuột rộng lớn.

Thách thức tiếp theo đến từ việc BJP không giành được đa số ghế khiến Thủ tướng Modi sẽ phải chia sẻ quyền lực với các đối tác trong liên minh, điều mà ông chưa từng phải làm kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014. Một Chính phủ liên minh có thể đồng nghĩa với việc chính quyền của BJP sẽ gặp khó khăn hơn để thông qua các luật gây tranh cãi tại Quốc hội, cũng như một số vấn đề khác chẳng hạn hệ tư tưởng chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu mà họ đang theo đuổi. Nhất là khi hai đảng Telugu Desam và Janata Dal (United) trong liên minh đều công khai theo chủ nghĩa thế tục. Chưa hết, trong nhiệm kỳ mới, ông Modi sẽ phải đối đầu với phe đối lập lớn mạnh hơn. Liên minh Ấn Độ đối lập vừa qua đã giành được sự ủng hộ hơn hẳn, sau những thất bại lớn trong hai cuộc bầu cử trước đó.

Với vị trí chiến lược của Ấn Độ ở châu Á và nền kinh tế đang bùng nổ, chiến thắng của ông Modi sẽ vang dội vượt xa biên giới nước này, thu hút sự chú ý của Mỹ, Trung Quốc và Nga nói riêng. Washington từ lâu đã coi New Delhi là bức tường thành quan trọng trong khu vực nhằm đối trọng với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Nhưng đồng thời, Ấn Độ vẫn gần gũi với Moscow và khát khao mua dầu giá rẻ của Nga bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Do đó, việc cố gắng cân bằng quan hệ giữa các nước lớn vì lợi ích quốc gia sẽ tiếp tục là bài toán cân não trong nhiệm kỳ 3 của nhà lãnh đạo Ấn Độ.

Linh Anh (Tổng hợp từ AP, New York Times, CNN)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/thu-tuong-an-do-va-giac-mo-viksit-bharat-i374651/