Thủ tướng Anh Liz Truss từ chức: Tại sao là nhiệm kỳ 45 ngày và chương trình kinh tế 'gây chấn động thị trường'?

45 ngày - một nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử chính trị của nước Anh. Lý do nhiệm kỳ của bà Liz Truss được đánh dấu bằng những cuộc ra đi và những 'cú quay xe' bất ngờ?

Thủ tướng Anh từ chức, nhiệm kỳ 45 ngày và chương trình kinh tế ‘gây chấn động’? Ảnh: Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng và Thủ tướng Anh Liz Truss (phải) tại một sự kiện. (Nguồn: Getty Images)

Thủ tướng Anh từ chức, nhiệm kỳ 45 ngày và chương trình kinh tế ‘gây chấn động’? Ảnh: Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng và Thủ tướng Anh Liz Truss (phải) tại một sự kiện. (Nguồn: Getty Images)

Gần đây, nhiệm kỳ của một thủ tướng Anh thường không dài. Tính từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016, nước Anh trải qua 5 đời thủ tướng: ông David Cameron, bà Theresa May, ông Boris Johnson, bà Liz Truss và người kế nhiệm bà. Dù vậy, tin bà Liz Truss tuyên bố từ chức chỉ sau 45 ngày cầm quyền vẫn là một biến động chính trị lớn ở Vương quốc Anh.

Lý do chính là gì?

Một trong số đó là chương trình kinh tế của Thủ tướng Liz Truss đã gây ra những làn sóng chấn động khắp thị trường và chia rẽ Đảng Bảo thủ của bà, chỉ trong 6 tuần bà chính thức bước vào số 10 Phố Downing.

45 ngày - Một nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử chính trị của nước Anh, lại được ghi dấu bằng những cuộc ra đi và những "cú quay xe" bất ngờ.

Giới quan sát bình luận, thời gian tại nhiệm ngắn ngủi của bà Truss đã bị “trọng thương” dù mới bắt đầu. Tuần đầu tiên của bà Liz Truss đánh dấu bằng việc tiết lộ một kế hoạch tốn kém nhằm giới hạn hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình, để đối phó với tình trạng giá cả tăng vọt do cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã sớm bị lu mờ trong 10 ngày, sau sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II.

Thủ tướng Truss khi đó chỉ còn một tuần trước khi chiến lược kinh tế gây tranh cãi của bà lại "đổ bể", dẫn đến việc Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng bị sa thải chỉ sau 38 ngày tại vị.

Ông Kwarteng, người được coi là có cùng quan điểm với bà Truss, đã công bố một "ngân sách nhỏ" vào hồi tháng Chín. Trong đó, nêu chi tiết tổng trị giá của một chương trình là 67 tỷ USD, trong 6 tháng tới.

Nhưng thay vì các biện pháp gây quỹ cụ thể, lại là các đề xuất cắt giảm thuế lớn, đồng thời gia tăng vay nợ với hy vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Anh.

Kế hoạch vừa được công khai, lập tức vấp phải làn sóng phản ứng gay gắt, do lo sợ việc cắt giảm thuế sẽ làm tăng nợ chính phủ, như "đổ thêm dầu lửa"- khi tác động của việc chính phủ gia tăng vay nợ sẽ tiếp tục thúc đẩy lạm phát, vào đúng thời điểm giá cả tăng vọt với tốc độ nhanh nhất trong khoảng 40 năm.

Trước tình hình đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) phát đi cảnh báo về rủi ro nghiêm trọng đối với sự ổn định về tài chính của đất nước khi chi phí đi vay tăng, đồng Bảng Anh giảm và lãi suất thế chấp tăng vọt.

BoE lập tức công bố ba biện pháp can thiệp riêng biệt nhằm xoa dịu thị trường trái phiếu vốn đã khiến một số quỹ hưu trí của Anh đứng trước bờ vực vỡ nợ.

Kế hoạch cắt giảm thuế của chính phủ Thủ tướng Truss cũng đã bị chỉ trích dữ dội bởi các nhà đầu tư, Quỹ Tiền tệ quốc tế, các tổ chức xếp hạng tín dụng và bởi chính các thành viên đảng Bảo thủ, họ bày tỏ sự lo lắng về những ngày sắp tới.

Thị trường tài chính đặc biệt náo động khi ông Kwarteng dường như đã phớt lờ những cảnh báo của chuyên gia về sự biến động của thị trường.

Ông tiếp tục công bố các khoản vay lớn mới để chi trả cho việc cắt giảm thuế sâu rộng - kể cả đối với những người có thu nhập cao nhất - cùng với việc loại bỏ giới hạn tiền thưởng của các chủ ngân hàng.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lên tiếng kêu gọi chính phủ Anh xem xét lại việc cắt giảm thuế lớn, bởi biện pháp kích thích tài chính đó không phù hợp với áp lực lạm phát trong nền kinh tế và có nguy cơ khiến BOE khó xoay xở hơn.

Trong khi Moody’s dự báo, kế hoạch này có thể gây thiệt hại vĩnh viễn cho nền tài chính công, việc cắt giảm thuế sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế — trái ngược với quan điểm của ông Kwarteng.

Thông báo trên của Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng lập tức gây áp lực lên sự nghiệp chính trị của bà Truss vì sự không công bằng và đồng Bảng Anh giảm về mức ngang giá so với USD.

Sau những lời chỉ trích và một chính sách kinh tế gây náo động, Thủ tướng Liz Truss và ông Kwarteng đã bị buộc phải "quay xe" loại bỏ việc cắt giảm thuế thu nhập theo kế hoạch.

Sau đó, hơn một chục nghị sĩ trong chính Đảng Bảo thủ của bà Truss đã công khai kêu gọi Thủ tướng từ chức, sau khi kế hoạch cắt giảm thuế đã gây ra sự suy thoái thị trường, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt vốn đã rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, đòn giáng mạnh vào vị trí của bà Truss lại chính là sự ra đi của ông Kwasi Kwarteng - bạn thân, đồng minh chính trị và đồng tác giả của cuốn sách về kinh tế thị trường tự do cách đây một thập kỷ.

Giáo sư lịch sử hiện đại Richard Toye của Đại học Exeter cho rằng, bà Liz Truss đã "hy sinh" ông Kwarteng để giữ sự nghiệp, nhưng hành động của bà lại xác nhận rằng chính phủ lúc đó đã bước vào "giai đoạn rối loạn”.

Cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc đối với bà Truss, khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Suella Baverman đã rời bỏ cuộc tranh cãi với Thủ tướng Truss và tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt về vấn đề nhập cư. Bà Bộ trưởng còn công khai bày tỏ: "Có lo ngại lớn về chính phủ".

Trong bài phát biểu ngày 20/10, Thủ tướng Liz Truss thông báo từ chức, bởi “không thể thực hiện cam kết mà tôi đã đưa ra khi bầu cử…".

Đồng bảng Anh đã tăng 0,36% trong ngày bà Truss tuyên bố sẽ rời số 10 Phố Downing.

(theo NDTV, AFP)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-tuong-anh-liz-truss-tu-chuc-tai-sao-la-nhiem-ky-45-ngay-va-chuong-trinh-kinh-te-gay-chan-dong-thi-truong-202765.html