Thủ tướng Anh quyết định bầu cử sớm: Nước đi mạo hiểm?

Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã xác nhận điều mà nhiều người suy đoán trong thời gian qua: Vương quốc Anh sẽ tiến hành tổng tuyển cử sớm vào tháng 7. Thông báo bất ngờ này sẽ tạo tiền đề cho một chiến dịch chính trị đầy kịch tích và căng thẳng trong những tuần tới.

Các cử tri ở Anh, Bắc Ireland, Scotland và xứ Wales sẽ tham gia bầu cử. Mặc dù Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland đã phân cấp chính quyền, song họ cũng bầu các nghị sĩ vào Quốc hội Westminster.

Vì sao Thủ tướng Anh kêu gọi bầu cử sớm?

Ngày bầu cử đã được xác nhận là ngày 4.7, tức là chỉ còn hơn 6 tuần nữa. Mặc dù Vương quốc Anh phải tổ chức tổng tuyển cử 5 năm một lần, song cuộc bầu cử cũng có thể được tiến hành bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian đó. Thực tế, Thủ tướng Sunak có thời hạn đến cuối tháng 1.2025 mới phải kêu gọi tổ chức bầu cử, nhưng cho đến khi có thông báo bất ngờ mới nhất, đa phần người dân Anh từng mong đợi bầu cử sẽ diễn ra vào mùa Thu.

Do đó, lời kêu gọi bầu cử sớm của ông Sunak đã khiến nhiều người vô cùng bất ngờ, bao gồm cả một số nghị sĩ của chính đảng Bảo thủ cầm quyền. Họ tỏ ra thất vọng vì thời gian khá đột ngột. Tuy nhiên, thực tế các đảng phái ở Anh đã lường trước cuộc bầu cử và có sự chuẩn bị phù hợp từ lâu. Ở Anh, “các chiến dịch ngắn” - khoảng thời gian từ lúc kêu gọi bầu cử đến ngày bầu cử - thường chỉ kéo dài tối thiểu 25 ngày làm việc và hiếm khi lâu hơn.

Nguồn: Getty images

Nguồn: Getty images

Thủ tướng Sunak giải thích cho quyết định bất ngờ của mình là vì, chỉ có ông và đảng Bảo thủ mới có thể đưa nước Anh vượt qua thời kỳ mà ông mô tả là thời điểm “thử thách nhất” kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Reuters dẫn lời ông nhấn mạnh: “Hiện là thời điểm để Anh lựa chọn tương lai của mình và quyết định liệu đất nước có muốn tiếp tục phát triển dựa trên những tiến bộ chúng ta đã đạt được, hay có nguy cơ quay trở lại tình trạng ban đầu và không có gì chắc chắn”. “Trong vài tuần tới, tôi sẽ chiến đấu vì từng lá phiếu và giành được sự tin tưởng của các bạn. Đồng thời, tôi sẽ chứng minh cho mọi người thấy, chỉ có Chính phủ của đảng Bảo thủ, do tôi lãnh đạo mới không gây nguy hiểm cho ổn định kinh tế mà chúng ta khó khăn lắm mới đạt được", ông khẳng định.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, lập luận này có thể đưa đến rủi ro vì Công đảng có thể lập luận rằng nhiều vấn đề cơ bản, chẳng hạn như tình trạng bất ổn liên quan đến dịch vụ công và kinh tế sau chính sách mini-budget (ngân sách nhỏ) của cựu Thủ tướng Liz Truss, là hậu quả từ việc quản lý kéo dài của đảng Bảo thủ. "Ngân sách nhỏ" ở Anh đề cập đến một báo cáo tài chính tạm thời hoặc một loạt các biện pháp tài chính được Chính phủ công bố ngoài chu kỳ ngân sách thường niên. Ngân sách này thường được đưa ra để giải quyết các vấn đề kinh tế cấp bách hoặc thực hiện các chính sách tài chính cụ thể.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Thủ tướng Rishi Sunak đã thông báo với Vua Charles để yêu cầu giải tán Quốc hội, dự kiến vào ngày 30.5. Từ thời điểm đó, về mặt kỹ thuật, cơ quan lập pháp sẽ không còn hoạt động và những công việc của Quốc hội chưa được hoàn thành trước thời điểm trên sẽ bị hủy bỏ.

Sau đó, các ứng cử viên sẽ bắt đầu vận động tranh cử trên khắp 650 khu vực bầu cử của Vương quốc Anh để giành ghế trong Quốc hội. Một số ứng cử viên cũng sẽ góp mặt trong chiến dịch tranh cử cấp quốc gia, đặc biệt là những người đồng thời là bộ trưởng. Các nhà lãnh đạo đảng cũng sẽ tham gia vào chiến dịch quốc gia và chiến dịch địa phương nếu có cơ hội - chẳng hạn như ở các khu vực bầu cử chiến trường trọng điểm.

Liệu có “sao đổi ngôi”?

Theo một số nhà phân tích, việc Thủ tướng Sunak quyết định tổ chức bầu cử sớm hơn dự kiến nhiều tháng là chiến lược mạo hiểm, khi đảng cầm quyền đang thua xa Công đảng về tỉ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận. Hơn nữa, ông còn bị một số thành viên trong đảng của mình cô lập và ngày càng phụ thuộc vào một nhóm nhỏ cố vấn giúp ông vượt qua các trở ngại.

Theo các kết quả khảo sát mới nhất, Công đảng giành được sự ủng hộ lớn hơn, báo hiệu khả năng có sự thay đổi Chính phủ. Nếu Công đảng giành được đa số trong cuộc tổng tuyển cử tới, lãnh đạo Keir Starmer sẽ trở thành Thủ tướng ngay sau khi kết quả được xác nhận mà không có thời gian chuyển tiếp. Về mặt kỹ thuật, Thủ tướng Anh sẽ do Quốc vương bổ nhiệm, vì vậy hành động đầu tiên của người chiến thắng trong cuộc bầu cử là đến yết kiến Quốc vương.

Tuy nhiên, một trong những tín hiệu tích cực đối với chính quyền của đảng Bảo thủ giúp họ có lợi thế và khả năng “lật lại thế cờ” trong cuộc bầu cử là việc Anh hiện chứng kiến tỷ lệ lạm phát giảm và nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần 3 năm (thông tin được công bố trong ngày 22.5).

Sau khi ông David Cameron từ chức Thủ tướng năm 2016, Vương quốc Anh trải qua 4 đời Thủ tướng: Đó là bà Theresa May (2016-2019), ông Boris Johnson (2019-2022), Bà Liz Truss (tại nhiệm 49 ngày vào năm 2022) và ông Rishi Sunak (kể từ tháng 10. 2022).

Linh Anh ( Theo Conversation, Reuters)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/thu-tuong-anh-quyet-dinh-bau-cu-som-nuoc-di-mao-hiem--i372589/