Thủ tướng Anh thăm Mỹ: Bất đồng không cản bước
Chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Rishi Sunak tới Washington D.C là cơ hội để hai nước củng cố quan hệ, nỗ lực tháo gỡ bất đồng, đặc biệt là về thương mại.
Ngày 6-8/6, Thủ tướng Anh Rishi Sunak có chuyến thăm đầu tiên tới Washington D.C, gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nhà lãnh đạo này cũng dự kiến tiếp xúc Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, các nghị sĩ quốc hội và lãnh đạo doanh nghiệp xứ cờ hoa.
Quen mặt…
Sở dĩ có câu hỏi này bởi cả hai đã có tới bốn lần gặp gỡ kể từ khi ông Rishi Sunak trở thành Thủ tướng Anh. Trong đó, lần gần đây nhất là tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Hiroshima, Nhật Bản hai tuần trước. Hồi tháng Tư, Tổng thống Joe Biden đã thăm Bắc Ireland và gặp ông Rishi Sunak tại Belfast.
Ngoài ra, cả Anh và Mỹ tiếp tục duy trì mối quan hệ đồng minh thân thiết nhiều thập kỷ, vốn trải qua không ít sóng gió dưới thời hai người tiền nhiệm của ông Sunak là ông Boris Johnson và bà Liz Truss. Phát biểu ngày 3/6, Thủ tướng Rishi Sunak nêu rõ: “Mỹ là đồng minh thân thiết nhất của chúng tôi. Chúng tôi là đối tác hàng đầu trong mọi việc, từ bảo đảm an ninh tới phát triển kinh tế cho người dân hai nước. Vì thế, trên cương vị Thủ tướng, tôi có trách nhiệm xây dựng một mối quan hệ gần gũi và thẳng thắn với Tổng thống Mỹ-trong tất cả các vấn đề toàn cầu, các bạn sẽ thấy chúng tôi làm việc cùng nhau”.
Ở thời điểm hiện tại, không khó để thấy cả hai đang giữ đúng cam kết của mình.
Trong khuôn khổ các cơ chế, ngay cả khi không còn là một phần của Liên minh châu Âu (EU), Anh vẫn là thành viên có tiếng nói đặc biệt quan trong trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn dắt. London là đối tác then chốt của Washington trong Liên minh Ngũ nhãn và mới đây là Thỏa thuận an ninh Australia-Anh-Mỹ (AUKUS). Hai bên tiếp tục sát cánh trong nhiều tổ chức khu vực, diễn đàn đa phương quan trọng khác, dù là tại Liên hợp quốc, Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hay G7.
Quan trọng hơn, về mặt chính sách, hai nước có nhiều điểm tương đồng trong nhiều vấn đề quốc tế, khu vực nổi bật hiện nay như xung đột Nga-Ukraine, quan hệ với Trung Quốc hay vấn đề Đài Loan. Anh và Mỹ là hai nước tiên phong trong nỗ lực viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm các cam kết mới đây về cung cấp F-16 cho các lực lượng dưới quyền của Kiev.
Trong khi đó, Thủ tướng Rishi Sunak nhiều lần công khai lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Tại Thượng đỉnh G7, ông mô tả cường quốc châu Á là “thách thức lớn nhất tới an ninh thế giới”. Thậm chí, ngay trước khi tới Mỹ, nhà lãnh đạo Anh “hiến kế” rằng, khai thác năng lượng gió ngoài khơi bờ biển xứ sở sương mù có thể góp phần giúp Washington giành ưu thế về năng lượng trước Bắc Kinh.
Liệu có tỏ lòng?
Với tần suất gặp gỡ như vậy, chuyến thăm của nhà lãnh đạo xứ sở sương mù tới Washington D.C tưởng chừng như không có nhiều ý nghĩa, đặc biệt là giữa hai đồng minh thân thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, mọi chuyện lại không hẳn như vậy.
Một trong những vấn đề đó là câu chuyện về thương mại. Các nguồn tin cho biết trong chuyến thăm này, Thủ tướng Rishi Sunak mong muốn thảo luận về một hiệp định thương mại song phương đầy đủ Anh - Mỹ. Nếu thành công, đây sẽ là “phần thưởng” lớn cho ông Sunak và tác động tích cực đến tỷ lệ ủng hộ của chính trị gia này. Bởi lẽ, phe Brexit cho rằng, nó sẽ khỏa lấp khoảng trống về kinh tế sau khi Anh rời EU. Tuy nhiên, thái độ của Washington về câu chuyện này vẫn còn là một ẩn số.
Chính quyền của ông Sunak chịu nhiều áp lực sau khi Mỹ phê chuẩn kế hoạch trị giá 369 tỷ USD trợ cấp nhằm phát triển ngành ô tô xe điện và các công nghệ xanh khác của xứ cờ hoa. Động thái này có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới lợi ích kinh tế của doanh nghiệp các đồng minh khác, bao gồm London.
Tương tự là câu chuyện thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu. Theo Chuyên gia Nile Gardener, Giám đốc Trung tâm tự do Margaret Thatcher thuộc Quỹ Di sản (Anh), Thủ tướng Rishi Sunak không ủng hộ sáng kiến của ông Biden.
Ngoài ra, ông Nile Gardener cho rằng hai nước nên giữ khoảng cách trong một số vấn đề, duy trì sự “khác biệt lành mạnh” về thương mại hay Brexit: “Tôi cho rằng lập trường chính sách quá gần gũi với Mỹ sẽ không phục vụ lợi ích quốc gia của Anh”.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thừa nhận: “Dù ai ở Nhà Trắng hay số 10 Downing, mối quan hệ đặc biệt giữa Anh và Mỹ vẫn luôn ở đó”.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-tuong-anh-tham-my-bat-dong-khong-can-buoc-230205.html