Thủ tướng: Bình Thuận cần tập trung kết nối nội vùng, liên vùng

Bình Thuận cần quy hoạch mở rộng TP Phan Thiết và nghiên cứu việc sáp nhập thị xã La Gi với huyện Hàm Tân.

Sáng 31-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận về tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2021, tám tháng đầu năm 2022 và định hướng thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: ĐH

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: ĐH

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bình Thuận, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 kinh tế của tỉnh có bước hồi phục mạnh mẽ. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) sáu tháng đầu năm 2022 tăng 6,44%, cao hơn so mức trung bình cả nước.

Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt 13.503 tỉ đồng, sáu tháng đầu năm 2022 đạt 5.904 tỉ đồng.

Trong sáu tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch đến Bình Thuận tăng 39,2% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu du lịch đạt gần 4.500 tỉ đồng, tăng 17% so cùng kỳ năm trước.

Từ năm 2021 đến nay, có 861 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 12.063,41 tỉ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 10.728 doanh nghiệp được thành lập với tổng nguồn vốn đăng ký 126.944,927 tỉ đồng. Có 116 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 3.350,034 triệu USD. Các dự án FDI đã xây dựng và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: ĐH

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: ĐH

Tỉnh Bình Thuận đề nghị với Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương đầu tư vào một số dự án hạ tầng giao thông, thủy lợi, hậu cần nghề cá; thành lập Khu công nghệ cao và Khu kinh tế ven biển; sớm phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản titan; việc tiêu thụ tro, xỉ của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân...

Bình Thuận cũng đề nghị Thủ tướng xem xét, ban hành các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho điện gió ngoài khơi gắn với Chiến lược biển Việt Nam. Xem xét chuyển đổi, nâng cao tỉ lệ năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII; sớm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hồ La Ngà 3; đầu tư nâng cấp sân bay Phú Quý…

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL phát biểu. Ảnh: ĐH

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL phát biểu. Ảnh: ĐH

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào kết quả chung của cả nước.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của Bình Thuận, người đứng đầu Chính phủ cho biết đó đều là những đề xuất chính đáng.

Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc giải quyết các kiến nghị và chỉ đạo hướng giải quyết đối với từng đề xuất, kiến nghị. Thủ tướng giao các bộ, ngành căn cứ quy hoạch chung của cả nước, của vùng cũng như nguồn lực, thứ tự ưu tiên, không dàn trải để giải quyết phù hợp, đúng quy trình, quy định.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông phát biểu về các đề xuất của Bình Thuận. Ảnh: ĐH

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông phát biểu về các đề xuất của Bình Thuận. Ảnh: ĐH

Thủ tướng cho rằng Bình Thuận là địa phương có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh như có đầy đủ các loại hình giao thông thuận lợi. Tỉnh cũng có tiềm năng lớn phát triển công nghiệp năng lượng, phát triển kinh tế biển, du lịch...

“Bình Thuận phải đi lên từ những tiềm năng, lợi thế này, nhất là đi lên từ biển xanh, cát trắng, nắng vàng” - Thủ tướng khẳng định.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, Bình Thuận vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng, phát triển chưa nhanh, chưa xanh, chưa bền vững, thậm chí có những tồn tại, yếu kém.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Thuận tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phòng, chống dịch COVID-19, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Cùng đó là chỉ đạo việc đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế theo đúng quy định, bảo đảm việc khám chữa bệnh cho nhân dân.

Tỉnh phải đẩy nhanh tiến độ lập và trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch phát triển tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó lưu ý quy hoạch phát triển năng lượng theo hướng xanh, sạch, hiệu quả; quy hoạch mở rộng, phát triển TP Phan Thiết và khảo sát, nghiên cứu sáp nhập thị xã La Gi với huyện Hàm Tân.

Thủ tướng lưu ý Bình Thuận cần tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là giao thông đồng bộ, kết nối nội vùng và liên vùng.

"Bằng mọi giải pháp nhanh chóng xây dựng sân bay Phan Thiết để sớm có kết nối đường không, tạo thuận lợi cho du lịch phát triển" - Thủ tướng nói và đề nghị Bình Thuận thực hiện thật tốt các nhiệm vụ, giải pháp kể trên, phấn đấu đến năm năm 2024 tỉnh cân đối được thu, chi trên địa bàn.

PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-binh-thuan-can-tap-trung-ket-noi-noi-vung-lien-vung-post696522.html