Thủ tướng cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho các nhà đầu tư

Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD.

Sáng 17-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển".

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: NHẬT BẮC

Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự chung tay, đồng hành, đóng góp, chia sẻ và nỗ lực của các nhà đầu tư nước ngoài trong công tác phòng chống dịch, duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, góp phần cùng Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

"Chúng ta có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, chúng ta đã chung tay, chung sức, đồng lòng để vượt qua. Chúng tôi hết sức trân trọng và xúc động vì điều đó"- Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, nếu làm việc với nhau mà "bên thua, bên thắng" thì không phải là hợp tác. Nếu "bên thua, bên thắng", chúng ta phải ngồi lại, lắng nghe, trao đổi với nhau để hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam, “với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; ‘không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm’; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD. Theo đó, (1) giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; (2) tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; (3) phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; (4) xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình; (5) hợp tác thân thiện, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, cùng giải quyết các khó khăn, thách thức.

Đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án: (i) thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; (ii) tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; (iii) thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển điện gió, điện mặt trời, mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức, đối tác quốc tế tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng sạch bảo đảm công bằng, công lý, nhất là có ưu đãi về tài chính với lãi suất phù hợp cho các dự án trong lĩnh vực này.

Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển

Tại hội nghị, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát toàn diện các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Đồng thời có kế hoạch kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế, bất cập trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn; đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh.

Rà soát, đánh giá và chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết (pháp lý, quỹ đất, hạ tầng, năng lượng, lao động…) để đón các dự án đầu tư. Nghiên cứu tạo hành lang pháp lý đối với các hình thức, phương thức đầu tư mới, hợp tác công - tư để thu hút nguồn lực cho phát triển KT-XH.

Ưu tiên phát triển một số lĩnh vực cụ thể thuộc công nghiệp hỗ trợ như chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đổi mới công nghệ...

Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các trung tâm logistics có quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng kỹ thuật số nhằm đáp ứng nhu cầu cao của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài...

Đối với các hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam.

Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng, áp dụng những mô hình quản lý mới, thực hiện đổi mới mô hình hướng tới kinh doanh xanh, công nghệ xanh và phát triển bền vững.

Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển; đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề mới có giá trị gia tăng cao; công nghệ kỹ thuật, khoa học hiện đại.

Các Hiệp hội kịp thời cung cấp và báo cáo các vướng mắc, khó khăn của các hội viên trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời kiến nghị, đề xuất các chính sách, pháp luật phù hợp.

Một lần nữa, Thủ tướng khẳng định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.

Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam với tinh thần "Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển".

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-cam-ket-tao-lap-moi-truong-kinh-doanh-tot-nhat-cho-cac-nha-dau-tu-post698994.html