Thủ tướng Campuchia ví mạng lưới kinh tế như hệ thống mạch máu
Thủ tướng Hun Manet so sánh mạng lưới kinh tế Campuchia với hệ thống mạch máu của cơ thể người, nhấn mạnh rằng sự lưu thông hiệu quả tới từng 'tế bào' là yếu tố quyết định sức mạnh của đất nước.
“Để phát triển kinh tế Campuchia một cách bền vững, tăng trưởng không thể chỉ tập trung ở Phnom Penh mà phải lan tỏa đến tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc,” Khmer Times dẫn lời phát biểu của Thủ tướng Campuchia Hun Manet ngày 29/3 tại lễ khánh thành các tuyến Quốc lộ 31, 33 và 41 tại tỉnh Takeo.
Ông Hun Manet cho rằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại nhằm kết nối các khu vực tiềm năng trên cả nước sẽ trực tiếp mang lại lợi ích cho người dân ở mọi vùng miền, thúc đẩy tiến trình phát triển cân bằng và bao trùm.
“Xây dựng hạ tầng để kết nối các vùng kinh tế trọng điểm cũng giống như chăm sóc cơ thể. Máu phải lưu thông đến khắp nơi thì cơ thể mới khỏe mạnh. Campuchia cũng vậy: mỗi tỉnh, mỗi thành phố, mỗi huyện, mỗi xã, mỗi làng – từng ‘tế bào’ đều phải được phát triển đồng đều thì đất nước mới có thể lớn mạnh,” Thủ tướng Campuchia nhận định.

Thủ tướng Hun Manet tại lễ khánh thành tuyến quốc lộ mới ở tỉnh Takeo. Ảnh: MPWT
Việc khánh thành ba tuyến quốc lộ mới nằm trong chiến lược mở rộng mạng lưới hạ tầng giao thông liên vùng tại khu vực phía Tây Nam Campuchia, được kỳ vọng sẽ tăng cường liên kết vùng, tạo động lực mới cho đầu tư và du lịch, đồng thời nâng cao đời sống kinh tế – xã hội tại các địa phương.
Thủ tướng Hun Manet nhấn mạnh rằng các tuyến đường mới sẽ tăng cường khả năng lưu thông, vận chuyển hàng hóa và đi lại hàng ngày, góp phần củng cố nền tảng hạ tầng giao thông quốc gia, cũng như thúc đẩy kết nối kinh tế giữa các vùng miền và với các quốc gia láng giềng.

Tuyến quốc lộ mới của Campuchia. Ảnh: MPWT
Các tuyến Quốc lộ 31, 33 và 41 tại tỉnh Takeo vừa được Campuchia đưa vào sử dụng chính thức đóng vai trò then chốt trong chiến lược kết nối liên vùng và mở rộng hành lang kinh tế phía Tây Nam Campuchia.
Quốc lộ 31 (dài 53,539 km) kết nối từ tỉnh Kampot qua Takeo, nối liền với mạng lưới đường bộ hướng về biên giới Việt Nam thông qua cửa khẩu quốc tế Prek Chak (phía Việt Nam là cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang).
Quốc lộ 33 (dài 52,577 km) chạy dọc phía Nam tỉnh Takeo tới Kampot, đóng vai trò huyết mạch trong việc kết nối các cảng biển Campuchia và thương mại ven biển, đồng thời cũng hướng ra các cửa ngõ giao thương với Việt Nam.
Trong khi đó, Quốc lộ 41 (dài 95,269 km) nối tỉnh Kampong Speu với Takeo, giúp rút ngắn thời gian lưu thông từ Phnom Penh tới khu vực biên giới phía Nam, đồng thời kết nối với các quốc gia khác trong hành lang kinh tế Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) – gồm Trung Quốc (chỉ hai tỉnh phía Nam: Vân Nam và Quảng Tây), Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.