Thủ tướng: Cần có cơ chế điều hành phát triển chung toàn vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ rõ, mặc dù vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò, vị trí, tầm quan trọng; dự địa phát triển lớn, nhưng chưa phát triển tương xứng.
Sáng 9/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW.
Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận 27 nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, bài học kinh nghiệm, đề xuất các mục tiêu, giải pháp phát triển vùng trong thời gian tới.
Hội nghị được tổ chức tại hai đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ. Cùng dự tại hai điểm cầu có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; các chuyên gia, nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học.
* Đầu tàu kinh tế của cả nước
Báo cáo chung tại hội nghị cho biết, sau 15 năm thực hiện, các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết 53-NQ/TW và Kết luận 27-KL/TW của Bộ Chính trị đã được các Bộ, ngành và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân 8 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam tích cực triển khai thực hiện, góp phần đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.
Theo đó, vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục là cực tăng trưởng với quy mô GRDP đến năm 2020 gấp 2,6 lần 2010, chiếm tỷ trọng cao nhất trong GDP cả nước, vượt mục tiêu đặt ra; cơ cấu kinh tế của vùng dịch chuyển theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo có xu hướng tăng, tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng cao vượt mục tiêu đặt ra; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ của vùng cao nhất cả nước; các ngành dịch vụ chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, logistics, viễn thông, vận tải, du lịch phát triển mạnh.
Cùng với đó, năng suất lao động của vùng đạt mức cao nhất cả nước (năm 2020 đạt 265,3 triệu đồng/lao động); đã hình thành trung tâm công nghiệp hàng đầu của cả nước tại vùng, đóng góp tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, tạo việc làm, thu ngân sách nhà nước.
Kinh tế tư nhân của vùng phát triển năng động, mạnh mẽ. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất cả nước, tăng khoảng 81% trong giai đoạn 2011-2020, chiếm 41,4% số lượng doanh nghiệp. Số doanh nghiệp FDI của vùng Đông Nam Bộ năm 2020 chiếm 50% tổng số doanh nghiệp FDI cả nước.
Trong vùng, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại lớn nhất, là động lực lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước và nhất là khu vực phía Nam.
Vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đang dần trở thành “bệ đỡ” cho phát triển vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Là cửa ngõ giao thương của khu vực phía Nam và cả nước.
Diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại; tốc độ đô thị hóa nhanh, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Hệ thống đô thị đã được phát triển và phân bố hợp lý tạo sự liên kết mang tính hệ thống giữa các đô thị trong vùng; được phân bố theo mô hình đa trung tâm, từng bước tạo động lực để phát triển các vùng, đồng thời giảm áp lực cho khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển khá và đạt trình độ cao so với mặt bằng chung cả nước; tỷ lệ lao động qua đào tạo cao ở mức hàng đầu cả nước; thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước; lĩnh vực y tế được cải thiện, nhất là y tế chuyên sâu đã có những thành tựu ngang tầm khu vực và thế giới; hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đạt được một số thành tựu nổi bật; công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có bước chuyển biến tích cực theo hướng phục vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; công tác xây dựng Đảng được quan tâm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên; công tác xây dựng chính quyền, hệ thống chính trị được đẩy mạnh; quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội có tiến bộ, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố...
* Kết cấu hạ tầng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ
Bên cạnh đó, trong vùng còn một số tồn tại, hạn chế như: tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp và có xu hướng chậm lại, cơ cấu kinh tế chưa bền vững; tỷ trọng đóng góp vào GDP của cả nước ngày càng giảm; tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp trong GRDP của vùng chưa đạt mục tiêu; thu ngân sách không đạt mục tiêu và chưa vững chắc, thiếu ổn định; công nghiệp phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững và đồng bộ; mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, hạn chế sự phát triển và lan tỏa của vùng; việc triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển còn chậm; hạ tầng xã hội chưa theo kịp sự phát triển; tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đạt mục tiêu đề ra; hợp tác, liên kết vùng còn nhiều hạn chế, chưa xây dựng không gian kinh tế thống nhất nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi tỉnh, thành phố và toàn vùng; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp...
Tại hội nghị, các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận thẳng thắn, phân tích, đánh giá cụ thể những kết quả đã làm được, những tồn tại, hạn chế trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, khoa học công nghệ, kết cấu hạ tầng, quốc phòng, an ninh...; đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt hiện nay của vùng và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; xác định bối cảnh phát triển mới, những yếu tố ảnh hưởng, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của vùng; đề xuất những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng và phù hợp với tình hình thực tiễn.
* Cần có cơ chế điều hành phát triển chung toàn vùng
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ đồng tình với báo cáo trung tâm và gần 20 ý kiến đánh giá kết quả, hạn chế, bài học kinh nghiệm cũng như những phân tích, đề xuất của các đại biểu tại hội nghị; đồng thời gợi mở một số vấn đề nhằm phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 thể hiện sự quan tâm đặc biệt và là chủ trương có ý nghĩa chiến lược.
Việc thực hiện Nghị quyết 53, Kết luận 27 đã huy động các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng để phát triển nhanh, ổn định và bền vững, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, các mặt giáo dục - đào tạo, văn hóa, xã hội, y tế vào loại hàng đầu cả nước; bảo đảm ổn định chính trị và quốc phòng, an ninh vững chắc; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong vùng ngày càng được nâng lên; góp phần tích cực vào sự phát triển chung của khu vực phía Nam và cả nước, là địa bàn cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực.
Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, mặc dù vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò, vị trí, tầm quan trọng; dự địa phát triển lớn, nhưng chưa phát triển tương xứng. Nguyên nhân do thiếu quy hoạch hiện đại; tính liên kết, phối hợp trong vùng còn lỏng lẽo, chưa chặt chẽ; chưa có cơ chế điều hành toàn vùng; thiếu cơ chế huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài nhà nước và cơ chế để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng.
Do đó, Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh, yêu cầu mới, cần có một nghị quyết mới, với chủ trương, chính sách, cơ chế mới phù hợp với tình hình để tạo ra không gian phát triển mới, động lực, xung lực, khí thế mới phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong đó, cần có cơ chế điều hành, tổ chức thực hiện chung, phù hợp để tạo liên kết chặt chẽ, thực chất và hiệu quả hơn; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn; nâng cao tính tự lực, tự cường của mỗi địa phương, đơn vị; có cơ chế thu hút mọi nguồn lực vào phát triển, trong đó đẩy mạnh cơ chế hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.
Thủ tướng nhấn mạnh, để phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam phải thực hiện 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gồm phát triển hạ tầng, nhất là về hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo nguồn lao động có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu; thực hiện đột phá về thể chế, cải cách hành chính.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chủ động, cùng với các tỉnh, thành trong vùng tích cực xử lý các vướng mắc, rào cản và các vấn đề nổi lên.
“Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đã rất rõ; các bộ, ngành, địa phương phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện; đồng thời kịp thời phát hiện những vướng mắc, xác định chủ thể để giải quyết; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội; mạnh dạn đề xuất cơ chế chính sách căn cứ thực tiễn; phát huy tính chủ động của các địa phương, song huy động sức mạnh tổng hợp của cả vùng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng chỉ rõ, trước tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; kinh tế, thương mại toàn cầu phục hồi chưa vững chắc; dịch bệnh còn khó lường; biến đổi khí hậu ngày càng tiêu cực; an ninh mạng ngày càng phức tạp; thách thức về trình trạng cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ...
Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam phải góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập thực chất, hiệu quả.
Từ các quan điểm, mục tiêu nêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở một số định hướng, giải pháp trọng tâm mà các địa phương, bộ, ngành cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị các địa phương, bộ, ngành tiếp tục nỗ lực để vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển nhanh và bền vững. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế để vùng trở thành vùng dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của cả nước, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với vai trò, vị trí đầu tàu về kinh tế của cả nước.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng phải tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, nhất là giao thông đường bộ liên kết vùng, hạ tầng số.
Thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực. Phát huy vai trò đầu tàu của vùng trong phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo đột phá trong tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của cả vùng, thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế vùng; phấn đấu trình độ, năng lực công nghệ, ứng dụng khoa học - công nghệ ở một số lĩnh vực có thế mạnh đạt trình độ quốc tế.
Tăng cường nguồn lực đầu tư và có chính sách khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Phát triển các trung tâm nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, dịch vụ khoa học công nghệ tầm quốc tế.
Cũng theo Thủ tướng, phải phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền.
Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp nhất là ở các cơ sở; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, nhất là tập trung tiêm vaccine cho người dân; khắc phục các yếu kém trong lĩnh vực y tế, nhất là tình trạng thiếu thuốc; tập trung giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế-xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh công tác quy hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội; chủ động ứng phó với các vấn đề nảy sinh.../.