Thủ tướng chỉ đạo tăng thu ngân sách

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương áp dụng các giải pháp thực tiễn hiệu quả để tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 vượt trên 10% dự toán Quốc hội giao.

 Bên cạnh tăng thu, Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên năm nay. Ảnh: Nam Khánh.

Bên cạnh tăng thu, Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên năm nay. Ảnh: Nam Khánh.

Trong Công điện mới đây về điều hành dự toán ngân sách Nhà nước gửi các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thu ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm ước đạt 78,5% dự toán.

Kết quả này đạt được trong điều kiện đã thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và các khoản thu ngân sách khác. Bội chi, nợ công, Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Thủ tướng đánh giá thu ngân sách Nhà nước về tổng thể đạt tiến độ khá và có tăng trưởng so với cùng kỳ, song vẫn còn một số khoản thu có tiến độ thu đạt thấp, nhất là thu tiền sử dụng đất.

Trong khi đó, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển 8 tháng đầu năm mới đạt hơn 40% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ; còn 19 bộ, cơ quan trung ương và 31 địa phương chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn được giao năm nay.

Trong các tháng tới đây, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không thuận lợi đến nền kinh tế trong nước.

Vì thế, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu áp dụng các giải pháp thực tiễn hiệu quả để tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 vượt trên 10% dự toán Quốc hội giao.

Từ đó, phấn đấu thu ngân sách Nhà nước năm 2025 cao hơn khoảng 5% so với ước thực hiện năm 2024 để đảm bảo nguồn lực đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán, tăng chi tạo nguồn cải cách tiền lương và xử lý các nhiệm vụ đột xuất phát sinh.

Về chi ngân sách, Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên năm nay. Năm 2025, ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để cải cách tiền lương, các đơn vị phải tiết kiệm thêm khoảng 10%. Nguồn tiền này để giảm bội chi, hoặc cho các nhiệm vụ cấp thiết, bổ sung cho chi đầu tư phát triển.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đã ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 7%, vượt mục tiêu đã đề ra, tạo tiền đề, khí thế cho năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/thu-tuong-chi-dao-tang-thu-ngan-sach-post1495549.html