Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ các vấn đề 'nóng' tại TPHCM
Làm việc với lãnh đạo TPHCM và các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án trọng điểm, đồng thời tập trung ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm.
Sáng 27/7, ngay sau chuyến thị sát công trường thi công dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM và các bộ, ngành liên quan.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ chia sẻ với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM về 2 năm vất vả với nhiều mất mát, hy sinh trong thời gian chống dịch COVID-19.
"Mất mát tại TPHCM với hậu quả lớn nhất cả nước. Chính phủ chia sẻ và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực, chủ động và tích cực của chính quyền thành phố cùng nhân dân với sự giúp đỡ của các doanh nghiệp và bạn bè quốc tế đã giúp thành phố vượt qua được dịch bệnh" - Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Dịch bùng phát, chưa có vắc xin, chưa có thuốc, phải chống dịch bằng các biện pháp hành chính chứ không phải bằng chuyên môn. Khổ sở, vất vả, hy sinh. Mất mát tại TPHCM với hậu quả lớn nhất cả nước. Chính phủ chia sẻ và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực, chủ động và tích cực của chính quyền thành phố cùng nhân dân với sự giúp đỡ của các doanh nghiệp và bạn bè quốc tế đã giúp thành phố vượt qua được dịch bệnh”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đến nay, TPHCM đã kiểm soát được tình hình nhưng cái giá phải trả rất đắt. Thực tế chống dịch cho thấy vắc xin và ý thức người dân là 2 yếu tố then chốt nhất để phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Thủ tướng, sau khi kiểm soát được dịch bệnh, TPHCM đã nhanh chóng đẩy nhanh các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, giúp hồi phục được kinh tế và đạt được thành tích quan trọng.
"Chính phủ và thường trực Chính phủ đã có kế hoạch làm việc thường xuyên với thành phố ít nhất mỗi quý 1 lần để rà soát lại công việc hàng quý, định ra những việc quan trọng và các tồn đọng, từ đó có giải pháp can thiệp phù hợp", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đã cụ thể hóa các nghị quyết của Chính phủ để đưa vào đời sống. Sau khi kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, kinh tế xã hội của thành phố đã phục hồi nhanh, đồng bộ, toàn diện. Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế của thành phố đã tăng trưởng 3,82%. Tất cả các lĩnh vực đều phục hồi tốt.
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, hiện nay, đường vành đai 3 TPHCM đang triển khai quyết liệt và thuận lợi, không có vướng mắc lớn nhưng cần đẩy nhanh tiến độ.
"Thành phố đề xuất Chính phủ cần triển khai nghị quyết đường vành đai 3 và bố trí vốn cho việc xây dựng, tạo điều kiện cho thành phố đảm bảo tiến độ. Đối với đường vành đai 4, mô hình giống vành đai 4 của Hà Nội với chiều dài 199km. Thành phố đề xuất Thủ tướng tiếp tục có chỉ đạo để khởi động đường vành đai 4 để đến giữa năm 2023 Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án này”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kiến nghị
Bên cạnh tình hình phục hồi kinh tế, lãnh đạo TPHCM cũng báo cáo Thủ tướng các vấn đề liên quan đến đầu tư công; các chương trình mục tiêu quốc gia, quy hoạch và công tác phòng chống dịch bệnh.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Mọi chủ trương đường lối đã hoạch định đều có thể giải quyết được. Tuy nhiên, trên thực tế phục hồi, phát triển kinh tế, khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu nhất. Việc đôn đốc kiểm tra, rà soát công việc của các đơn vị liên quan thường bị bỏ qua nên hiệu quả chưa cao”.
“Mọi chủ trương đường lối đã hoạch định đều có thể giải quyết được. Tuy nhiên, trên thực tế phục hồi, phát triển kinh tế, khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu nhất. Việc đôn đốc kiểm tra, rà soát công việc của các đơn vị liên quan thường bị bỏ qua nên hiệu quả chưa cao” - Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Sau khi khảo sát một số dự án còn ách tắc trong sáng 27/7, Thủ tướng yêu cầu TPHCM và các bộ, ngành liên quan cần phải khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
“Dự án đường vành đai 3 thành phố cần làm gì, Chính phủ và các bộ, ngành cần làm gì cần phải có kiến nghị chi tiết. Tương tự là tuyến metro số 1 và metro số 2. Chúng tôi đã trao đổi với phía Nhật Bản về mô hình ODA kiểu mới để có thủ tục đơn giản, lãi suất thấp nhất có thể, thời gian vay dài nhất có thể… để phát triển các tuyến metro, trong đó sẽ nghiên cứu kết nối Metro xuống thành phố Cần Thơ”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thành phố và các bộ, ngành định hướng các năm tới cần làm gì để đếm ngược thời gian và đưa ra lộ trình công việc theo từng quý, từng năm với tiến độ cụ thể, nội dung cụ thể.
Thành lập tổ công tác về các vấn đề quan trọng của TPHCM
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành, TPHCM sớm triển khai thành lập tổ công tác của Chính phủ với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành có liên quan mật thiết với các vấn đề trọng yếu của TPHCM. Tổ công tác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đứng đầu sẽ thường xuyên thảo luận, trao đổi với nhau, khi có vấn đề cấp bách thì tập trung tháo gỡ. “Cách làm này ban đầu sẽ thí điểm với TPHCM, sau đó sẽ mở rộng với các tỉnh, thành”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng hoạt động này là một khâu đột phá về thủ tục hành chính, sẽ giúp thúc đẩy quy trình làm việc, “tránh tình trạng lòng vòng, mất thời gian mà không xong việc”.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kiến nghị hằng năm Thường trực Chính phủ duy trì làm việc với TPHCM về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng và cuối năm để định hướng hoạt động cho thành phố. Ông Phan Văn Mãi cho rằng nếu thành phố được định hướng, tháo gỡ kịp thời thì sẽ phát triển kinh tế – xã hội tốt và đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước.
Trả lời đề xuất này, Thủ tướng cho rằng lịch trình định kỳ là 6 tháng, nhưng cần thiết có thể sớm hơn để đảm bảo giải quyết kịp thời cho các vấn đề của thành phố.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý TPHCM cần tập trung các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, dịch sốt xuất huyết và bệnh đậu mùa khỉ để bảo vệ sức khỏe của nhân dân, mang lại sự ổn định cho sự phát triển kinh tế, xã hội.