Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất tại tỉnh Kon Tum

Theo tin từ Viện Vật lý địa cầu, trong các ngày 28 và 29/7, đã liên tiếp xảy ra nhiều trận động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, trong đó trận động đất lớn xảy ra lúc 11 giờ 35 phút 10 giây ngày 28/7 với độ lớn M = 5.0, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 ở khu vực tâm chấn và lân cận. Đây là trận động đất có cường độ lớn nhất quan trắc được từ năm 1903 tới nay tại khu vực.

Bản đồ chấn tâm động đất tại huyện Kon Plông. Ảnh: Viện Vật lý Địa cầu

Bản đồ chấn tâm động đất tại huyện Kon Plông. Ảnh: Viện Vật lý Địa cầu

Theo thống kê của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu, từ ngày 28 đến 29/7, trên địa bàn huyện Kon Plông xảy ra 5 trận động đất, trong đó, trận động đất lúc 4 giờ 17 phút 46 giây (GMT) ngày 28/7, tức 11 giờ 17 phút 46 giây ngày 28/7 tại vị trí có tọa độ 14.827 độ vĩ Bắc -108.245 độ kinh Đông, độ lớn: 5.0, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2.

Kết quả thống kê cập nhật nhanh từ UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kon Plông cho thấy chưa có thiệt hại nào về người nhưng có các thiệt hại về tài sản do động đất gây ra như sau: Hộ Vy Văn Hải bị rơi 1 ti vi, hư hỏng hoàn toàn (thôn Măng Bút, Xã Măng Bút); Trường Trung học cơ sở và trạm Y tế xã bị nứt các vách ngăn tường xây do động đất mạnh (xã Đăk Ring).

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum cho biết, trước tình hình trên, UBND huyện Kon Plông đã triển khai các biện pháp phòng chống sạt trượt, lở đất, lũ quét do động đất xảy ra trên địa bàn huyện Kon Plông; các phương án, kế hoạch và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các phòng ban liên quan phối hợp triển khai thực hiện; đồng thời thường xuyên theo dõi tình hình động đất và báo cáo kịp thời về UBND huyện để chỉ đạo.

Tiếp tục phối hợp với các đoàn công tác tỉnh, của Trung ương để kiểm tra, đánh giá, khảo sát nguy cơ các vùng bị ảnh hưởng; cung cấp tờ rơi, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý nhân dân trên địa bàn; tập huấn cho lực lượng xung kích, nhân dân cách phòng tránh và diễn tập tình huống; kiểm tra các công trình hạ tầng trên địa bàn huyện, kết cấu các công trình có chịu đựng được động đất ở cấp độ nào để đưa ra phương án xử lý phù hợp.

Kiểm tra, đánh giá, khảo sát các khu dân cư, nhà ở trên địa bàn huyện để định hướng trong việc ứng phó; rà soát, kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình, nhà dân đã bị sụt lún, rạn nức từ trước do thiên tai, lụt bão gây ra để có kế hoạch sửa chữa, gia cố kịp thời.

Trước diễn biến động đất tại huyện Kon Plông, ngày 29/7, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 73 CĐ-TTg gửi lời thăm hỏi đến nhân dân khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất, đồng thời yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum và các địa phương trong khu vực thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi động đất, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở khẩn trương kiểm tra nắm tình hình, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả (trong trường hợp xảy ra sự cố) để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ có nhà bị hư hại nặng không bảo đảm an toàn; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà; bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các hộ bị thiệt hại nặng về nhà ở, ổn định cuộc sống theo quy định và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại (nếu có).

Khu vực thường chịu ảnh hưởng bởi động đất ở huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Vietnam+

Khu vực thường chịu ảnh hưởng bởi động đất ở huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Vietnam+

Chỉ đạo kiểm tra các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông để kịp thời phát hiện, có biện pháp ứng phó và khắc phục các sự cố, hư hỏng (nếu có) để bảo đảm an toàn cho công trình.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo kiểm tra, triển khai công tác khắc phục sự cố (nếu có), bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, công trình giao thông, nhất là các hồ đập, hồ chứa nước, công trình giao thông tại khu vực gần tâm chấn động đất.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả động đất theo yêu cầu của địa phương.

Thủ tướng yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất, phối hợp với các cơ quan chức năng, huy động các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực, kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng và người dân để phục vụ công tác truyền thông và chỉ đạo ứng phó, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng gây hoang mang, bất ổn trong nhân dân.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thu-tuong-chinh-phu-chi-dao-kiem-tra-chu-dong-khac-phuc-hau-qua-dong-dat-tai-tinh-kon-tum-post478825.html