Thủ tướng Chính phủ: Khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực tài nguyên cho phát triển và bảo vệ môi trường sống an toàn

Ngày 5/8, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập (5/8/2002 - 5/8/2022) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực của các thế hệ công chức, viên chức, người lao động Bộ Tài nguyên và Môi trường qua các thời kỳ, chúc mừng những thành tích của ngành đã đạt được trong những năm qua, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.

Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành tài nguyên và môi trường phải tăng cường đoàn kết, phối hợp chặt chẽ; chấp hành và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xây dựng Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên...

Thủ tướng yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường cần rà soát hoàn thiện hệ thống các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các hiệp định, thỏa thuận quốc tế có liên quan về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo đồng bộ, minh bạch phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực tài nguyên cho phát triển và bảo vệ môi trường sống an toàn cho nhân dân.

Đồng thời xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, thực hiện di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ ô nhiễm ra khỏi đô thị, khu dân cư; cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông... ; phát triển các ngành công nghiệp môi trường, tái chế, tái sử dụng tuần hoàn biến rác thải thành tài nguyên; cải tạo, phục hồi chất lượng các nguồn nước sông, hồ đã bị ô nhiễm, suy thoái; cải thiện chất lượng không khí trong các đô thị, khu dân cư...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (Ảnh: Khương Trung).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (Ảnh: Khương Trung).

Thủ tướng tin tưởng trong giai đoạn tiếp theo, ngành tài nguyên và môi trường sẽ khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước, bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ nêu trên, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành phải tăng cường đoàn kết, phối hợp chặt chẽ; chấp hành và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tài nguyên môi trường.

Nắm chắc, rà soát hoàn thiện hệ thống các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các hiệp định, thỏa thuận quốc tế liên quan quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm đồng bộ, minh bạch phù hợp nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực tài nguyên cho phát triển và bảo vệ môi trường sống an toàn cho nhân dân.

Trong đó, trọng tâm là sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 để thể chế hóa quan điểm, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, cản trở trong quản lý sử dụng đất đai, giải phóng, phát huy nguồn lực quan trọng này cho phát triển và bảo vệ đất nước...

Tập trung hoàn thành việc lập, phê duyệt các quy hoạch, chiến lược bảo đảm khả thi, định hình không gian phát triển của đất nước với tầm nhìn dài hạn để phân bổ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên đáp ứng yêu cầu thực tiễn chiến lược phát triển nhanh và bền vững.

Đẩy mạnh chuyển đổi xanh, đưa các yêu cầu về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu thành một nội dung, nhiệm vụ trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn mới.

Tăng cường công tác chuyển đổi số, xây dựng tài nguyên số trên nền tảng dữ liệu lớn. Chậm nhất trong năm 2025 phải hoàn thành đưa vào vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về đất đai quốc gia tập trung, thống nhất, đa mục tiêu, tích hợp, liên thông.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tiếp cận quản lý theo mục tiêu, đánh giá dựa trên kết quả, cải cách triệt để, rút gọn, lồng ghép, thực hiện đồng thời các thủ tục hành chính, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong ngành.

Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khắc phục các tồn tại, hạn chế nhất là trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản.

Có giải pháp ứng phó hiệu quả với nguy cơ suy giảm, suy thoái nguồn nước, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.

Nghiên cứu cơ chế chia sẻ và giải quyết tranh chấp, xung đột trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước xuyên biên giới, nhất là sông Mê Kông và sông Hồng.

Khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng biển và ven biển, thiết lập hệ thống quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo chuẩn mực quốc tế…

Triển khai đưa Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống. Xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, thực hiện di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ ô nhiễm ra khỏi đô thị, khu dân cư; cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông...

Phát triển các ngành công nghiệp môi trường, tái chế, tái sử dụng tuần hoàn biến rác thải thành tài nguyên. Cải tạo, phục hồi chất lượng các nguồn nước sông, hồ đã bị ô nhiễm, suy thoái; cải thiện chất lượng không khí trong các đô thị, khu dân cư…

Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để hiện đại hóa hệ thống mạng lưới khí tượng thủy văn.

Ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong dự báo, cảnh báo thiên tai, thời tiết và giám sát biến đổi khí hậu. Thể chế hóa, lồng ghép yêu cầu giảm phát thải vào các quy hoạch, chiến lược, chuyển dịch mô hình phát triển nhằm đạt mục tiêu phát thải bằng “0” vào năm 2050.

Đầu tư nguồn lực ưu tiên thích ứng biến đổi khí hậu bằng các giải pháp công trình và phi công trình; chuẩn bị nội lực từng bước chủ động thực hiện những cam kết với quốc tế cũng như các hành động cấp bách “không hối tiếc” trong ứng phó biến đổi khí hậu ở nước ta.

Đẩy mạnh hợp tác, hội nhập, phân tích dự báo, phân tích các xu thế, dòng chảy của thời đại để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách nhằm đi trước đón đầu, bắt kịp xu hướng phát triển chung của thế giới, nắm bắt và tận dụng các thời cơ, thúc đẩy chuyển dịch mô hình phát triển, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhất là đổi mới nội dung, phương thức nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân cũng như ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp với tinh thần làm cho "Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm".

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Thủ tướng nêu rõ, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Dương Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thu-tuong-chinh-phu-khoi-thong-giai-phong-toi-da-cac-nguon-luc-tai-nguyen-cho-phat-trien-va-bao-ve-moi-truong-song-an-toan-d171105.html