Thủ tướng Chính phủ làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hải Dương
Ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và định hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Cùng tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, hội nghị cần đánh giá nhìn nhận những kết quả Hải Dương đã làm được trong thời gian qua. Đồng thời, cần nhìn nhận được những mặt tích cực, cũng như hạn chế, khó khăn và tìm ra những lợi thế đặc thù, nguyên nhân, giải pháp tháo gỡ để Hải Dương phát triển đạt được mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Báo cáo với Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết, quy mô nền kinh tế của tỉnh năm 2022 là 169.179 tỷ đồng (xếp thứ 11/63 toàn quốc). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 20.098 tỷ đồng, tăng 36% so với dự toán giao; trong đó, thu nội địa 16.820 tỷ đồng, tăng 37% so với dự toán. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương 16.486 tỷ đồng, đạt 106% dự toán.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng khoảng 9,14%; trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,42%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,04%; dịch vụ tăng 7,68%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch sang công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 87,3 nghìn tỷ đồng (tăng 14,2%); giá trị hàng hóa xuất khẩu 11.450 triệu USD (tăng 4,8%); hàng hóa nhập khẩu 8.419 triệu USD (tăng 9,4%). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 52,1 nghìn tỷ đồng (tăng 5,7%)…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng… Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân trên 9%/năm.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đã đề xuất kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số nội dung liên quan đến việc đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình nút giao lập thể giữa QL5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và QL 17B tại xã Kim Xuyên (huyện Kim Thành); Dự án cải tạo, mở rộng tuyến đường QL 37 đoạn từ QL 18 qua Côn Sơn - Kiếp Bạc, kết nối tỉnh Bắc Giang qua cầu Đồng Việt,… và cho phép tỉnh Hải Dương triển khai đầu tư xây dựng Khu hành chính tập trung của tỉnh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cũng đã đưa ra các ý kiến nhằm bổ sung, gợi mở định hướng phát triển và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tỉnh Hải Dương.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực, kết quả mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hải Dương đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, góp phần vào thành tựu chung của cả nước. Đồng thời, đánh giá cao tầm nhìn, định hướng chiến lược phát triển, phương châm hành động của tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh thực hiện hiệu quả chiến lược “Bốn trụ cột - Ba nền tảng - Một trung tâm, Ba đô thị động lực - Ba trục phát triển" với trọng tâm là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương dựa trên các trụ cột: Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao và hữu cơ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, hiện đại.
“Tỉnh Hải Dương phải khai thác hiệu quả các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; tận dụng sự lan tỏa, hệ sinh thái của các trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh; phát huy tiềm năng về con người, truyền thống văn hóa lịch sử; quan tâm phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu, tỉnh Hải Dương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Ninh và các địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ mở rộng quy hoạch quần thể di tích "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc”. Đồng thời, huy động các nguồn lực, nhất là hợp tác công tư trong quản lý, đầu tư trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch của quần thể di tích này.
Hải Dương cũng cần quan tâm bảo đảm an sinh xã hội và coi trọng đầu tư đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội… Đồng thời, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Về các kiến nghị của tỉnh Hải Dương, trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí với việc giải quyết các kiến nghị của tỉnh, trên nguyên tắc đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; tạo cơ chế khơi thông, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phối hợp, giải quyết theo thẩm quyền các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.